"Tai nạn ở Cần Giờ vừa rồi cho thấy canô quy định chở có hơn mười người mà người ta chở đến ba chục, khi lật tàu thì áo phao không đủ...”, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh lo lắng chung của các ủy viên Thường vụ đối với việc kiểm soát điều kiện an toàn của các phương tiện giao thông đường thủy.
"Bản thân tôi nhiều lần đi trên sông nước đồng bằng sông Cửu Long nhưng có bao giờ mặc áo phao đâu, mà cũng không biết áo phao để đâu nữa", ông Phước chia sẻ.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng chỉ ra: “Trong vụ tai nạn này, hai tàu đi sau nghe điện nhưng không quay lại cứu, nên cần phải quy định thế nào chứ không thể để tình trạng cứu cũng được, không cứu cũng được".
Ông Ksor Phước đề nghị cảnh sát đường thủy nếu phát hiện không mặc áo phao thì phạt cả chủ phương tiện và người tham gia. Ông Huỳnh Ngọc Sơn thì đề nghị quy định đo nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện đường thủy.
![]() |
Vụ chìm tàu ở Cần Giờ vẫn đang được cơ quan công an điều tra. Ảnh: VietNamNet |
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói: “Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Đồng thời đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng”.
UB này đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết hơn về sự phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn… trong hoạt động cứu nạn.
"Trong đó, cần nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra”, ông Phan Xuân Dũng nói.
UB Khoa học, công nghệ và môi trường cũng lo ngại về công tác quản lý phương tiện giao thông đường thủy nội địa: “Hiện nay phương tiện thủy nội địa đã phát triển rất mạnh so với những năm trước đây. Phương tiện có trọng tải từ 200-1.000 tấn chiếm tỷ lệ chủ yếu, cá biệt có loại đến 2.000 tấn, nhưng lại trang bị rất thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình như thông tin liên lạc, máy đo sâu, hải bàn, ra đa, thiết bị định vị…"
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đại diện cơ quan soạn thảo, thừa nhận hiện cơ quan nhà nước mới chỉ kiểm soát được 19.000 km trong số 42.000 km đường thủy có hoạt động giao thông vận tải.
“Trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của luật. Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc”, ông Thăng nói.
Tuy nhiên, dự thảo hiện đang đề nghị bỏ đăng ký đối với một số loại phương tiện nhỏ, bao gồm thuyền có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa, có sức chở dưới 5 người.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, những phương tiện này chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, tham gia hoạt động trong nội đồng ở cự ly ngắn và theo thời vụ. Loại phương tiện này do nhân dân tự đóng nên không có hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký và thực tế nhiều năm qua việc đăng ký đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 10%. Nếu quy định việc quản lý loại phương tiện nêu trên như với phương tiện lớn phải đăng ký, đăng kiểm là chưa phù hợp thực tế.
“Dù đưa ra khỏi diện đăng kiểm nhưng luật sửa đổi sẽ hướng dẫn giao cho địa phương quản lý”, Bộ trưởng nói về khoảng 300.000 phương tiện loại này.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chưa thấy yên tâm, đặc biệt với con số hơn 1.200 người thiệt mạng vì tai nạn đường thủy trong năm vừa qua.
Thấy hễ cứ gió lớn, lốc là nhiều thuyền, bè chìm khi hoạt động ở các tuyến đò ngang, cù lao, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng để cho UBND xã cấp phép là không ổn.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc loại phương tiện nhỏ ra khỏi diện đăng ký, đăng kiểm, có thể thay bằng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính việc cấp phép.
Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được áp dụng từ năm 2004 và sẽ được xem xét sửa đổi vào kỳ họp QH cuối năm nay.
Chung Hoàng