Suzuki triệu hồi Swift lỗi chân phanh trong lặng lẽ

Mở đầu cho cuộc tranh cãi giữa các nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng trong năm 2015 phải kể đến nhà sản xuất Suzuki khi hãng này đã thực hiện một cuộc triệu hồi lặng lẽ dòng xe Suzuki Swift. Hiện tượng lỗi chân phanh của xe Suzuki Swift được người dùng Việt Nam phát hiện ra vào hồi tháng 5. K, khi sử dụng xe, một số người lái có cảm giác đạp phanh mà phanh không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng ở mức 50% khi xe Suzuki Swift chạy với tốc độ thấp, khoảng dưới 10 km/h.

Thế nhưng, thay vì gửi thông cáo báo chí rộng rãi tới người dùng hay giới truyền thông trong nước, hãng Suzuki lại lặng lẽ đăng thông báo triệu hồi xe Swift bị lỗi chân phanh lên một tờ báo giấy.

Sự việc được phát hiện khi hình ảnh chụp một mẩu tin trên báo giấy với nội dung Suzuki triệu hồi xe Swift bị lỗi chân phanh tại Việt Nam được đăng tải trên mạng xã hội hồi tháng 10. Hành động này của Suzuki Việt Nam đã vấp phải những chỉ trích khá gay gắt từ người tiêu dùng. Ngay sau đó, Suzuki đã phải tiến hành một cuộc triệu hồi công khai hơn dòng xe gặp lỗi.

Thông báo triệu hồi dòng xe lỗi cũng được gửi đến các cơ quan hữu quan hồi tháng 11 vừa qua. Theo đó, Suzuki đã phát lệnh triệu hồi 1.311 chiếc xe Suziki Switf (AZF414F) có thời gian sản xuất  từ 17/1/2014 đến 17/9/2015. Nguyên nhân là do hệ số điều chỉnh góc bướm ga không tối ưu với điều kiện sử dụng xe ở Việt Nam.

Hãng này cho hay, dưới điều kiện lái xe mà người lái thường xuyên đạp phanh khi xe ở tốc độ thấp (nhỏ hơn 10km/h), người lái cảm thấy bàn đạp phanh nặng và hiệu quả lực phanh không như mong muốn, cụ thể là khi một số yếu tố tác động lên xe như muội than bám quanh bướm ga quá nhiều, nhiệt độ ngoài trời quá nóng và sử dụng máy điều hòa không khí hết công suất, chạy xe với tốc độ chậm và người lái xe liên tục đạp bàn đạp phanh kết hợp lại với nhau cùng lúc, hệ thống điều khiển động cơ sẽ điều chỉnh làm tăng góc mở bướm ga quá mức và hiệu chỉnh thời điểm đánh lửa.

Điều này có thể dẫn đến áp suất chân không trong cổ hút giảm và áp suất chân không trong bầu trợ lực phanh không thể duy trì ở giá trị thiết lập. Do đó, Lực trợ lực cho hệ thống phanh có thể bị giảm, người lái buộc tác động bàn đạp phanh với lực mạnh hơn bình thường, khả năng cuối cùng có thể gây ra tình trạng "bàn đạp phanh trở nên cứng”, tình trạng này làm cho người lái cảm nhận phanh không hiệu quả.

Hãng Suzuki cho biết, các sản phẩm này sẽ được đưa về các đại lý để cài đặt lại hệ thống điều khiển ECU. Theo đó, khắc phục hiện tượng giảm trợ lực hệ thống phanh ở tốc độ thấp và trong một số điều kiện khắc nghiệt.

Honda thực hiện chiến dịch dịch vụ thay vì triệu hồi xe SH

Ngay sau sự việc Suziki, hãng xe Nhật Honda cũng vướng vào vụ lùm xùm với dòng xe ga SH 12/150 vừa mới ra mắt thị trường Việt Nam. Khi bị phát hiện bộ phận cảnh báo chống trộm trên chiếc xe SH mới hoạt động không hiệu quả như lời nhà sản xuất. Cụ thể, do lỗi phần mềm điều khiển khiến hệ thống cảnh báo chống trộm sau khi được kích hoạt sẽ tự động tắt trong khoảng thời gian ngắn hơn tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Nhiều người yêu cầu cho rằng, hãng này phải thực hiện một cuộc triệu hồi để sửa số xe lỗi.

Tuy nhiên, trên website của mình, Honda đã thông báo tới khách hàng về một chiến dịch dịch vụ thay thế vì cho rằng, tính năng cảnh báo chống trộm trên chìa khóa thông minh chỉ là một tính năng gia tăng trên dòng xe mới. Sau phản ứng từ phía người dùng, Cục Đăng kiểm đã phải vào cuộc yêu cầu hãng này thực hiện một chiến dịch triệu hồi bài bản hơn để đảm bảo những quyền lợi về phía người dùng. Ngay sau đó, ngày 4/12, Honda đã chính thức thông báo chiến dịch triệu hồi 12.118 chiếc xe SH. Trong đó, có 6.721 xe Honda SH 125 và 5.397 chiếc SH 150 bị triệu hồi.

Xe Mazda 3 Allnew hiện đèn báo lỗi động cơ

Trong những ngày cuối năm, thêm một vụ scandal vừa mới xảy ra khi nhóm người sử dụng dòng xe Mazda 3 Allnew 1.5l do Trường Hải phân phối tại Việt Nam tố cáo dòng xe này hiện đèn báo lỗi động cơ.

Mazda 3 2015 chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào 12/2014. Hiện, mẫu xe ăn khách này được Thaco lắp ráp trong nước và có tất cả 3 phiên bản: 1.5L sedan; 1.5L hatchback và 2.0L sedan với mức giá lần lượt là 750 triệu, 770 triệu và 880 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người dùng sử dụng dòng xe 1.5L cho biết, sau một thời gian sử dụng, xe hiển thị đèn check engine mà không rõ nguyên nhân. Sự việc được người dùng phát hiện và gửi thông báo đến Trường Hải hồi tháng 7. Nhưng Thaco vẫn chưa có thông báo kết luận và phương án xử lý chính thức.

Người dùng cho rằng Trường Hải đang cố gắng kéo dài thời gian và không giải quyết thỏa đáng lợi ích cho người tiêu dùng nên đã đệ đơn lên Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương và yêu cầu cơ quan này bảo vệ quyền lợi của mình. Sau sự việc, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Đăng kiểm đã phải vào cuộc để giải quyết sự việc.

Cuộc tranh cãi hiện vẫn chưa ngã ngũ, nhưng vừa qua, trong văn bản ngày 21/12 gửi tới các cơ quan truyền thông, Vina Mazda (thuộc Trường Hải) đã phải ra văn bản chính thức xin lỗi khách hàng và thực hiện bảo hành miễn phí cả đối với những chiếc xe đã quá hạn bảo hành nếu gặp lỗi này.