


Khu công nghiệp, đường giao thông, các địa danh du lịch... là những điểm nhấn quan trọng khi nhắc đến Quảng Ngãi. Sau khi sáp nhập với Kon Tum, nơi đây sẽ sở hữu cả núi rừng lẫn biển hiện hữu.

Từ năm 2018, đường đến với tỉnh Quảng Ngãi từ phía Bắc đã thuận tiện hơn khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khánh thành. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 34.500 tỷ đồng, vận tốc thiết kế tối đa 120km/h (một số đoạn giới hạn 100km/h).

Cao tốc có điểm đầu tại nút giao Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), điểm cuối tại nút giao đường vành đai quy hoạch thành phố Quảng Ngãi, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).
Khi vừa đến địa phận Quảng Ngãi, người đi đường sẽ gặp ngay từ vòng xoay là biểu tượng hoa xương rồng nối đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với khu tổ hợp sản xuất ô tô Trường Hải, Khu kinh tế Chu Lai (thuộc tỉnh Quảng Nam).

Trong năm 2024, kinh tế thành phố tỉnh lỵ của Quảng Ngãi phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,53%. Trong đó, ngành dịch vụ tăng 8,54%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,41%, nông nghiệp tăng 1,97%. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước thực hiện đạt 44.034 tỷ đồng, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm 2023.
![]() | ![]() |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong tháng 11 ước đạt trên 212 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng ước đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.
Trong ảnh, cầu Trà Khúc 2 (trái) và cầu Trường Xuân (cầu đường sắt có từ thời Pháp) bắc qua sông Trà Khúc. Các cầu này nằm gần nhau và là điểm kết nối quan trọng giữa trung tâm thành phố với các huyện phía Bắc như Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và khu vực đi ra quốc lộ 1A, cũng như tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Khu vực này cũng là cửa ngõ giao thông đa tuyến (đường bộ, đường sắt, sông) của tỉnh, đặc biệt là khi đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam vào Quảng Ngãi.

Nổi bật trong các cây cầu là cầu Hà Thuận (bắc ngang sông Trà Khúc) nối Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh và xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa cũ. Công trình gồm cầu và đường dẫn, tổng chiều dài 2,5km, trong đó phần cầu dài hơn 708m và đường dẫn hơn 1,8km. Dự án có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 525 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh.
![]() | ![]() |
Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, thành phố có hơn 20km đường bờ biển, kết nối dễ dàng với các địa phương lân cận và các tỉnh Tây Nguyên thông qua hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt.

Hiện tại, thành phố Quảng Ngãi đạt 82,11/100 điểm tiêu chí của đô thị loại II và phấn đấu đạt một số tiêu chí của đô thị loại I trong giai đoạn 2026-2030. Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa 79%.

![]() | ![]() |
Thành phố được chia thành ba khu vực phát triển chính gồm khu đô thị mật độ cao; khu đô thị xanh và khu đô thị ven biển.

Nằm ở trung tâm thành phố Quảng Ngãi là quảng trường Phạm Văn Đồng (thuộc phường Nghĩa Chánh) - quảng trường lớn nhất tỉnh. Công trình đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Quảng trường được xây dựng từ những năm 2000, ban đầu mang tên đường Thành Cổ-Núi Bút, tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng.
![]() | ![]() |

Cũng ngay tại trung tâm TP, nằm trên trục đường huyết mạch Hùng Vương có nhiều trụ sở cơ quan nhà nước như UBND tỉnh (trong ảnh), Nhà văn hóa Lao động, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh...

Kế bên trụ sở UBND tỉnh là Trung tâm Hành chính công, ngân hàng lớn và Sở VHTT & DL Quảng Ngãi (đối diện)...

Trên trục đường đông đúc xe cộ của thành phố còn có Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng - Quảng Ngãi, thành lập năm 2017. Công trình có diện tích khá lớn với ba mặt tiếp giáp các đường Hùng Vương, Phan Bội Châu và Trần Hưng Đạo, thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động quy mô.

Nhà thờ Công giáo Quảng Ngãi nằm ngay mặt đường Hùng Vương. Công trình được khởi công xây dựng năm 1963, khánh thành sau đó khoảng 10 năm.

Sân vận động tỉnh Quảng Ngãi nằm ở phường Nghĩa Lộ. Với sức chứa 12.000 chỗ ngồi, nơi đây thường tổ chức các sự kiện thể thao, đặc biệt là bóng đá, và các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh.

Tình hình bất động sản Quảng Ngãi đang có những chuyển biến tích cực sau giai đoạn trầm lắng. Đầu năm 2025, thị trường nhà ở dần sôi động trở lại, đặc biệt là phân khúc đất nền và nhà ở thương mại. Giá đất nơi đây có xu hướng tăng từ 5% đến 10%, đặc biệt ở các khu vực gần các dự án hạ tầng mới và trung tâm thương mại.
Trước đó, tỉnh tích cực triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, với chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 500 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.
![]() | ![]() |
Giống như nhiều địa phương ở miền Trung và Nam Trung bộ, Quảng Ngãi là địa phương rất thu hút khách du lịch. Đảo Lý Sơn trong ảnh rất nổi tiếng đối với giới trẻ và khách quốc tế.

Theo thống kê của ngành, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi năm 2024 đạt khoảng 1,45 triệu lượt (trong đó, khoảng 18.000 lượt khách quốc tế), tăng 36% so với năm 2023 và vượt 11% so với kế hoạch đề ra.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng các loại hình du lịch mới để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nói đến Quảng Ngãi không thể không nhắc đến công trình xây dựng tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam hiện nay. Tọa lạc tại chùa Minh Đức, nằm trên đỉnh núi Thiên Mã, tượng cao khoảng 125m, có 25 tầng, thuộc Khu văn hóa tâm linh rộng 90 ha, trải dài qua hai xã Tịnh Long và Tịnh Khê.
Công trình sau khi khánh thành sẽ vượt kỷ lục qua các tượng Phật nổi tiếng khác như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn (72m, Tây Ninh) và tượng Quan Âm chùa Linh Ẩn (71m, Đà Lạt).

Một địa danh thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa quý báu của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là đầm An Khê - đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.
Đầm An Khê có diện tích mặt nước khoảng 347ha, dài 3.500m, rộng 1.000m, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2023. Địa danh này mang vẻ đẹp nguyên sơ, mặt nước trong xanh, phẳng lặng như gương, phản chiếu bầu trời và cảnh vật xung quanh, tạo nên khung cảnh yên bình và thơ mộng.

Nói đến Quảng Ngãi không thể không nhắc đến Khu kinh tế Dung Quất tại huyện Bình Sơn. Nơi đây là trung tâm lọc hóa dầu, cơ khí - luyện kim và năng lượng quốc gia, với các dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (trong ảnh).

Đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2021, Khu công nghiệp Hòa Phát Dung Quất với diện tích 420ha, là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm tại tỉnh Quảng Ngãi. Dự án gồm hai khu liên hợp sản xuất gang thép lớn, đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Khu công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển và các khu công nghiệp phụ trợ tại Quảng Ngãi.

Theo đề án sáp nhập tỉnh, thành, Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ trở thành một tỉnh, giữ nguyên tên gọi "Quảng Ngãi". Theo đó, tỉnh mới sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/9/2025 và trung tâm hành chính được đặt tại thành phố Quảng Ngãi hiện nay.
Do khoảng cách địa lý giữa TP Kon Tum và TP Quảng Ngãi khoảng 200 km, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã thống nhất thành lập cơ sở hành chính thứ hai tại TP Kon Tum để thuận tiện cho công tác điều hành trong giai đoạn đầu sáp nhập.
Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ sở hữu cả vùng biển và vùng núi, tạo điều kiện phát triển đa dạng các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, với 43 dân tộc anh em.
Địa phương này cũng có hai dự án sân bay đang được đề xuất xây dựng là trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum).
Xem thêm: VẺ ĐẸP CÁC TỈNH, THÀNH VIỆT NAM