



Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) là quyết sách lớn cho phát triển toàn diện vùng DTTS và MN.
Nhìn lại cả chặng đường của giai đoạn I (2021 - 2025), việc thực hiện quyết sách quan trọng này đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận.
Theo đó, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN ở nước ta đã có bước phát triển rõ rệt. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên và đời sống không ngừng cải thiện.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và MN giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương đã phát huy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân sản xuất theo định hướng của thị trường. Nhiều hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và MN được đầu tư xây dựng, đóng góp đáng kể vào thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục... đặc biệt là trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.
![]() | ![]() |
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ và phát triển sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đồng bào DTTS nghèo được tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Những thành tựu này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của đất nước.
Mặc dù Chương trình MTQG 1719 mới được đưa vào thực tiễn từ nửa cuối năm 2022, song bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, đến hết năm 2024, có 6 trong số 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra.

Giai đoạn II (2026 – 2030), việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tiếp tục giữ vững mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân...
Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đề xuất một số chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn II (2026 - 2030): Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.
Có 70% số xã vùng đồng bào DTTS và MN đạt chuẩn nông thôn mới. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hàng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, phấn đấu có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa.
Xóa cơ bản tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào DTTS.
Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Các đề xuất thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II bám sát nội dung 10 dự án thành phần của chương trình được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14. Trong đó đảm bảo ưu tiên tối thiểu phải có đủ 5 nội dung thành phần nhằm tập trung giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề “5 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và MN.
Trước hết, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN, chú trọng giao thông liên vùng, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và MN; các công trình cơ sở hạ tầng gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn các xã, thôn bản vùng biên giới.
Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; nghiên cứu bổ sung một số đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu bổ sung trường đào tạo chuyên biệt cho con em đồng bào DTTS trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tạo nguồn cán bộ người DTTS tại chỗ...
![]() | ![]() | ![]() |
Thứ hai, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS và MN thông qua hỗ trợ sản xuất cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng; hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và MN. Trong đó đầu tư, hỗ trợ phát triển số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ DTTS.
Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ cán bộ DTTS trong cấp uỷ và các cơ quan dân cử các cấp. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng đãi ngộ cán bộ là người DTTS.
Cùng với đó, có cơ chế để các hộ nghèo DTTS, nhất là nhóm phụ nữ, người cao tuổi DTTS tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu. Quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ DTTS; hỗ trợ nâng cao năng lực để tham gia vị trí quản lý lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.
Thứ tư, hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS rất ít người để thu hẹp khoảng cách phát triển ngay chính giữa các nhóm DTTS với nhau theo tinh thần Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Nghị định số 127/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP.
Cuối cùng, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông; kiểm tra, giám sát; thông tin, báo cáo thực hiện Chương trình 1719. Trong đó, truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và MN (Tiểu dự án 1, dự án 10 thuộc chương trình giai đoạn 2021 - 2025). Chuyển đổi số, thiết kế và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, báo cáo thực hiện chương trình (Tiểu dự án 2, dự án 10 thuộc chương trình giai đoạn 2021 - 2025). Theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình (Tiểu dự án 3, dự án 10 thuộc chương trình giai đoạn 2021 - 2025).