- Hàng triệu lao động bị mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng với bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ khó hiểu như hiện nay thì thị trường lao động một lần nữa lại bị “chấn thương” nặng nề.

Dưới đây là 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới.

10. Pháp

Tỷ lệ thất nghiệp: 9,3%

Tăng trưởng GDP: 1,7%

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 của Pháp là 9,3% nhưng hiện đã tăng lên 10%, mức cao nhất trong vòng 13 năm qua.

Thị trường lao động suy yếu tại nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Euro là một trong những nguyên nhân chính khiến cử tri nước này ủng hộ ứng cử viên Francois Hollande trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Năm vừa qua. Hollande liên tục chỉ trích tổng thống đương nhiệm trước đó, Nicolas Sarkozy, về sự sụt giảm mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp. 355.000 lao động bị mất việc làm trong 5 năm nhiệm kỳ của tổng thống Sarkozy.

Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực trong việc ngăn chặn tình trạng đóng cửa những doanh nghiệp thuộc khối công nghệ cao có nguy cơ khiến nhiều người mất việc. Hơn nữa liên minh Pháp yêu cầu tổng thống mới ngăn chặn việc 45 công ty ngừng sản xuất trong tháng Năm (việc đóng cửa các công ty này có nguy cơ khiến 90.000 lao động mất việc).

Theo liên minh, các tập đoàn trong đó có PSA Peugeot Citroen, General Motors và nhà bán lẻ Conforama đang lập kế hoạch tạm thời đóng cửa tại Pháp.

9. Ba Lan

Tỷ lệ thất nghiệp: 9,6%

Tăng trưởng GDP: 4,3%

Mặc dù Ba Lan là quốc gia có mức tăng trưởng GDP nhanh nhất trong khu vực đồng tiền chung nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với nỗi lo lớn về tình trạng thất nghiệp.

Những cuộc cải cách việc làm như hạn chế tình trạng nghỉ hưu sớm cộng với cuộc “bùng nổ em bé” vào những năm 1980 đã góp phần gây ra tình trạng dư thừa lao động như hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp tháng Năm vừa qua của Ba Lan ở mức 12.6% , giảm 0,3% so với tháng Tư nhưng cao hơn rất nhiều mức trung bình năm 2011.

Theo nghiên cứu mới đây của OECD, cứ 5 thanh niên thì có hơn 1 người không có việc làm. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức 26,7% vào tháng Ba vừa qua từ 18,5% vào tháng 12/2007. Giới trẻ lo ngại rằng cụm từ “thất nghiệp” sẽ còn đeo bám họ dài dài, thậm chí là suốt cuộc đời.

Cuộc khủng hoảng nợ cùng với tình trạng trì trệ của nền kinh tế khu vực đã và đang buộc nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

8. Thổ Nhĩ Kỳ

Tỷ lệ thất nghiệp: 9,8%

Tăng trưởng GDP: 8,5%

Thị trường lao động Thổ Nhĩ Kỳ không hề tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nước này trong vòng chục năm qua. Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm từ 2002 đến 2006 vượt quá 7% thì tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lại nhảy lên mức 10%.

Theo ông Rauf Gonec, chuyên gia kinh tế cao cấp tại OECD thì nguyên chính chủ yếu là tình trạng số lượng người rời nông thôn lên các khu vực thành phố kiếm sống ngày một cao. Trong khi, nhu cầu về nguồn lao động tay nghề cao vẫn không ngừng gia tăng nhưng nguồn lao động trình độ thấp lại quá nhiều và không đáp ứng được yêu cầu của thị trường việc làm. Sự “vênh nhau” giữa cầu và cung đã kéo theo thực trạng thất nghiệp tại nước này.

Theo OECD, thất nghiệp trong giới trẻ đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong những năm gần đây, giảm từ 17,1% tháng 12/2007 xuống 15,4% vào tháng Ba năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia có nguồn lao động nữ còn rất hạn chế.

7. Colombia

Tỷ lệ thất nghiệp: 10,8%

Tăng trưởng GDP: 5,9%

Colombia đã phát triển kinh tế khá nhanh chóng kể từ khi chính phủ giải quyết được cuộc nội chiến gay gắt và kiểm soát tốt hơn tình hình chính trị trong nước. Tuy nhiên Colombia cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực Mỹ Latin. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có giảm xuống mức 10,8% vào năm ngoái so với 11,8% năm 2010 nhưng vẫn còn cao hơn 2% so với nước láng giềng Venezuela, nước đứng thứ hai trong khu vực về tỷ lệ thất nghiệp.

Trong tháng Ba vừa qua, thủ đô Colombia đã ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp lên tới 19,1%. Chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 8,5% cho tới năm 2014 bằng việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, IMF lại cảnh báo vấn đề việc làm đối với Colombia nằm ở chỗ mức lương tối thiểu tại nước này khá cao. Năm 2010, chính phủ đã tăng 4% lương tối thiểu lên mức 300 USD/ tháng sau khi tỷ lệ lạm phát đạt 3,1%. IMF cho rằng, chính lương tối thiểu đã đẩy chi phí lao động lên cao.

6. Iran

Tỷ lệ thất nghiệp: 11,5%

Lệnh trừng phạt từ phương Tây, cộng với nguồn đầu tư nước ngoài hạn chế và sự sụt giảm về sản lượng dầu mỏ đã làm tổn thương nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như thị trường lao động nước này.

Theo các nhà chức trách, khoảng 15% lao động của Iran bị mất việc. Nhưng trên thực tế, con số đó có lẽ cao hơn nhiều. Theo số liệu từ trung tâm điều tra dân số Iran thì tỷ lệ thất nghiệp đối với những người ở độ tuổi dưới 25 hiện ở mức 29,1%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tỷ lệ này phải cao gấp đôi.

Cũng giống như các quốc gia khác trong thế giới Ả Rập, sự hiện diện của phụ nữ vẫn còn vô cùng hạn chế tại thị trường lao động Iran. Năm 2009, chỉ có 740.000 phụ nữ bị thất nghiệp so với 2,7 triệu nam giới. Trong khi đó số lao động nam chiếm đến 17,4 triệu trong tổng số 21 triệu lao động nước này.

5. Bồ Đào Nha

Tỷ lệ thất nghiệp: 12,7%

Tăng trưởng GDP: -1,5%

Mặc dù tủ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha đã ở mức 12,7% vào năm ngoái nhưng nó đã nhảy lên mức cao kỷ lục 14,9% vào quý đầu tiên năm nay trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thậm chí đã chạm mức 36,2%. Việc làm tại các khu vực kinh tế trong đó có công nghiệp đóng tàu một thời bùng nổ của Bồ Đào Nha đã bị ảnh thương nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ.

Gói cứu trợ trị giá 116 tỷ USD từ IMF và EU đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm. Đáng lo ngại hơn, nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng thì có lẽ chính phủ nước này sẽ phải đau đầu với các khoản trợ cấp.

4. Ai Len

Tỷ lệ thất nghiệp: 14,4%

Tăng trưởng GDP: 0,7%

Ngành công nghiệp dịch vụ của Ai Len đã sụt giảm mạnh vào năm 2011 và tỷ lệ thất nghiệp trung bình cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng gần 20 năm qua, gấp đôi so với Đức, nền kinh tế hàng đầu khu vực đồng Euro. Năm 2007, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng, tỷ lệ tất nghiệp tại nước này đạt kỷ lục 4,5%. Các ngành như bất động sản và tài chính sa thải một lượng lớn lao động. Cho đến này, chỉ riêng ngân hàng Ai Len đã cắt giảm tới 1000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến nhiều lao động chọn giải pháp ra nước ngoài tìm việc hoặc…quay trở lại trường học.

3. Hy Lạp

Tỷ lệ thất nghiệp: 17,7%

Tăng trưởng GDP: -6,9%

Cứ 5 người thì có hơn 1 người bị mất việc do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái tại Hi Lạp. Tháng Hai vừa qua ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 21,7%.

Khoảng 54% những người ở độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc. Có tổng cộng 1,1 triệu người bị thất nghiệp, cao hơn 42% so với tháng Hai năm ngoái. Hiện tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại các trung tâm đô thị lớn nhất của nước này trong đó có thủ đô Athens.

Nền kinh tế 300 tỷ USD đã sụt giảm năm thứ 5 liên tiếp. Tình trạng nợ công khiến chính phủ buộc thực hiện các biện phát thắt lưng buộc bụng. Những quy định và sức ép đến từ các gói cứu trợ đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa và dẫn đến thực trạng thất nghiệp tồi tệ như hiện nay. Thất nghiệp kéo theo những vấn đề xã hội rất nan giải. Đầu năm 2011, tỷ lệ tự tử đã tăng 40% so với một năm trước đó.

2. Tây Ban Nha

Tỷ lệ thất nghiệp: 21,6%

Tăng trưởng GDP: 0,7%

Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư nhưng lại có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực đồng Euro. Nước này rơi vào tình trạng suy thoái vào giữa năm 2008 sau khi bong bóng bất động sản vỡ khiến cho các ngành dịch vụ và xây dựng lao dốc không phanh, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp gia tăng chóng mặt.

Trong quý đầu tiên của năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 21,3%, cao gấp đôi so với mức trung bình của EU. 4.9 triệu trong 45 triệu dân bị mất việc khiến cho tỷ lệ thất nghiệp lập kỷ lục trong 14 năm qua. Số người mất việc tăng vọt đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu thụ trong nước, dẫn đến GDP quốc gia sụt giảm. Doanh thu bán lẻ đã giảm mạnh (8,6% mỗi năm) trong hai năm trở lại đây.

1. Nam Phi

Tỷ lệ thất nghiệp: 24,7%

Tăng trưởng GDP: 3,1%

Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất châu Phi cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số 50 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, khác với khu vực châu Âu, tình trạng thất nghiệp của Nam Phi không còn là điều gì quá mới mẻ. Kể từ năm 1997, Nam Phi luôn “duy trì” tỷ lệ thất nghiệp của mình ở mức trên 20%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là lịch sử phân biệt chủng tộc tại nước này đã tạo nên chợ “đen” lao động.

Trong quý đầu tiên của năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi đã tăng lên mức 25,2% so với 23.9% quý trước đó. Trong khi tình hình lao động khu vực sản xuất và bán lẻ tạm ổn thì tại các ngành công nghiệp xây dựng, khoáng sản, khải thác đá, hàng loạt lao động bị mất việc trong thời gian qua.

Theo ngân hàng trung ương, tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến cho tình trạng nợ nần của các hộ gia đình trở nên trầm trọng, chiếm đến 75% thu nhập sau thuế.

Công ăn việc làm giúp cho người dân lo được khoản chi tiêu trong gia đình, học hành cho con cái hay các dịch vụ thăm khám bệnh. Nhưng thất nghiệp buộc họ phải vay tiền để chi trả. Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng nợ nần của Nam Phi rất có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong khi ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khoản nợ xấu.

Hung Ninh (Theo CNBC)