(VEF.VN) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, có 3 vấn đề phải công khai ở ngành xăng dầu, đó là về giá, việc sử dụng Quỹ bình ổn và tình hình kinh doanh lãi lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu.

Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ chiều 26/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chia sẻ với báo giới nhiều tâm tư về câu chuyện xăng dầu và lạm phát.

Khó nói giá xăng dầu sắp tới sẽ không tăng

Nhiều câu hỏi đã được báo giới nêu tập trung nêu như: "Từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói không tăng giá xăng và khuyên Bộ Công Thương không nên tăng giá điện, quan điểm của Chính phủ như thế nào? Báo chí có quan điểm khác nhau về điều hành xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Chính phủ có chỉ đạo gì không? Chính phủ đã nhận được thông tin về việc có doanh nghiệp xăng dầu nào dọa rút khỏi hệ thống kinh doanh xăng dầu? Chính phủ có nắm bắt được về tình hình lãi lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu không?"...

Trước hàng chục câu hỏi nóng và cụ thể trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam chỉ chia sẻ quan điểm chung với tư cách cá nhân.

Ông nói rằng: "Những ngày vừa qua, tôi nhận được quá nhiều thư điện tử, tin nhắn hỏi về chuyện hội thảo xăng dầu. Đó là một cuộc hội thảo khoa học. Trong cuộc hội thảo, việc trình bày các ý kiến khác nhau là bình thường.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh Phạm Huyền)

Về điều hành giá xăng dầu cũng như một số mặt hàng thiết yếu khác, chủ trương của Chính phủ là điều hành nhất quán, liên tục, có một lộ trình thị trường hóa xăng dầu từ nhiều năm nay chứ không không phải giờ mới làm.

Hội thảo thì có tranh luận, nhưng các tranh luận tại đây lại khiến người dân suy ra một cách hiểu, hóa ra bây giờ, các bộ, Chính phủ mới bắt đầu quan tâm tới dân, mà trước đây không quan tâm dân? Hóa ra, từ trước tới nay, Chính phủ không bênh dân à? Về các nội dung cụ thể mà các nhà báo nói, không phải giờ Chính phủ mới làm!"

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Không nên nói như vậy!"

Nói cụ thể hơn về cơ chế giá xăng dầu, ông Đam liệt kê 3 vấn đề phải công khai ở ngành xăng dầu. Thứ nhất là phải công khai minh bạch hóa giá, nhập về bao nhiêu, chi bao nhiêu, thậm chí lương bổng bao nhiêu trong doanh nghiệp xăng dầu, thứ hai là việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thứ ba là tình hình kinh doanh lãi lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu.

"Không chỉ giá xăng mà là cả giá điện cũng cần một sự công khai minh bạch như vậy", ông Đam nhấn mạnh.

Ông cũng cho hay, riêng về việc Bộ Tài chính mở 3 đoàn đi kiểm tra giá vốn DN xăng dầu thì không phải sau hội thảo 20/9 mới lập các đoàn này mà thực chất, việc kiểm tra này đã có chủ trương sau khi có 3 doanh nghiệp xăng dầu xin dùng Quỹ bình ổn hỗ trợ giá.

Nói về khả năng tăng giá xăng, giá điện sắp tới, ông Đam băn khoăn: xăng dầu lên xuống trên thị trường thế giới rất nhanh, khôn lường. Nếu giá xuống thì ta hài lòng, mà nếu giá lên thì sẽ sao? Giá xăng dầu lên thì giá các loại giá khác lên theo, nhưng hạ giá xăng dầu rồi, các giá khác có hạ ngay theo không?

Vẫn theo dòng tâm tư này, Bộ trưởng Đam nói tiếp: "Suy nghĩ mấy năm nay, Chính phủ mới ra được Nghị định 84, thị trường hóa xăng dầu theo cách chủ động chứ không phải là ngẫu hứng. Việc làm hôm nay đã được dự liệu từ nhiều năm trước.".

Nhìn rộng hơn về cơ chế bù lỗ, ông bày tỏ, từ lâu, với nhiều mặt hàng hàng thiếu yếu như xăng, điện, Nhà nước luôn bù lỗ cho DN, bán dưới giá thành. Cơ chế giá điện, xăng sẽ có lộ trình mà phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng ta còn có một mục đích quan trọng không kém là tiến tới thể chế thị trường. Không thể nào bao cấp, bù giá mãi được, nhưng cũng không thể nói vì lạm phát mà tiếp tục bù giá, bù lỗ.

Với các chia sẻ này, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh Chính phủ đã có lộ trình, chủ trương thị trường hóa xăng dầu, điện, đã tính rất kỹ và chuẩn bị từ lâu. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Tài chính và Công Thương sẽ thực hiện nghiêm theo Nghị định 84, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Cảnh giác với lạm phát tâm lý

Về tình hình tinh tế nói chung, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ nhìn thẳng thực chất các vấn đề của nền kinh tế hiện nay chứ không tô hồng bức tranh này.

Quí I, GDP của Việt Nam đã tăng 5,43%, quí II là 5,67%, và quí II là 6,11%. Theo Bộ trưởng Đam, nếu quý IV, GDP là cũng 6,11% bằng quí III thì chúng ta có thể đạt được mức GDP cả năm là xấp xỉ 6% nhưng không có nghĩa, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được mức tăng trưởng này. Muốn đạt kết quả đúng kế hoạch đặt ra thì các biện pháp điều hành phải rất quyết liệt.

Riêng về chỉ số lạm phát, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, từ tháng 5, CPI đã bắt đầu giảm xuống. Tháng 9 vừa rồi đã thấp đi 0,82% mà theo báo cáo của Tổng cục thống kê, có xấp xỉ 0,5% do yếu tố tăng giá. Đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng tới 8,6%. Đây có thể là một điều đáng "tiếc" cho cơ hội có một chỉ số lạm phát đẹp hơn. Vì như ông nói, nếu không đúng mùa khai giảng thì CPI tháng 9 sẽ chỉ còn trên 0,3%.

Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, tình hình ổn định kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu tốt. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế trong năm nay đều có thể đạt kết quả tích cực. Ví dụ xuất khẩu tăng trưởng xuất sắc và tỷ trọng nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu có khả năng chỉ còn 13% chứ không phải là mục tiêu 16-18% như Chính phủ đề ra với Quốc hội. Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh lại cơ cấu đầu tư cũng khá tốt đẹp khi có hơn 1.000 dự án đã đưa vào sớm hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, mặc dù dư địa về tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán vẫn còn rất lớn nhưng Chính phủ sẽ vẫn thắt chặt, không dùng mốc 16% tổng phương tiện thanh toán và 20% tăng trưởng tín dụng để "tiến tới".

"Có thể, Chính phủ sẽ chỉ đặt tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới mục tiêu đã đề ra khoảng 3%", ông Đam nói.

Kỳ tới, Chính phủ bàn sâu về lạm phát và đã lập 3 tổ để nghiên cứu sâu về lạm phát, bóc tách các nguyên nhân về tình trạng lạm phát ở Việt Nam đã kéo dài.

"Suốt thời kỳ vừa qua, lạm phát kéo dài, đồng tiền Việt Nam mất giá nên đã sinh ra hậu quả là người dân không tin tưởng lắm vào đồng tiền Việt Nam, không tin lắm vào khả năng kiềm chế lạm phát. Yếu tố tâm lý đã đẩy lạm phát tăng mạnh hơn thực tế".

Dẫn lại một nghiên cứu tham khảo, bộ trưởng Đam lấy ví dụ, khi lãi suất tăng 1% thì lạm phát thực chỉ tăng lên 0,03% nhưng nếu yếu tố lạm phát tâm lý tăng 1%, sẽ có thể đẩy lên lạm phát thực lên 0,64%. Tỷ giá mà tăng 1% thì lạm phát thật sẽ lên tới 2%. Do đó, điều hành tỷ giá rất quan trọng và tâm lý tiêu dùng của người dân cũng rất quan trọng.

Khẳng định về chủ trương điều hành kinh tế từ nay tới cuối năm, bộ trưởng Đam cho biết, Chính phủ kiên trì điều hành với mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Chính sách tín dụng, tiền tệ vẫn theo hướng kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu lại đầu tư, không chỉ là đầu tư công mà là đầu tư chung của cả xã hội để dồn nguồn lực vào những khu vực quan trọng.

Phạm Huyền