Ban hành Quy chuẩn mới về tiếp đất cho các trạm viễn thông

Thông tư 26 của Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông (QCVN 9:2016/BTTTT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017.

Thay thế cho QCVN 9:2010/BTTTT, các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2016/BTTTT phù hợp với các quy định kỹ thuật của tiêu chuẩn ETSI EN 300 253 V.2.2.1 (2015-06) và khuyến nghị ITU-T K27 (3/2015).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông - “QCVN 9:2016/BTTTT” mới có hiệu lực thi hành quy định các yêu cầu kỹ thuật về tiếp đất cho các trạm viễn thông bao gồm yêu cầu đối với hệ thống tiếp đất, mạng liên kết trong tòa nhà, mạng liên kết các thiết bị và kết nối hai mạng này với nhau.

Quy chuẩn áp dụng cho các trạm viễn thông trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng. Trạm viễn thông trong quy chuẩn này gồm các công trình: trung tâm chuyển mạch, truyền dẫn; trung tâm dữ liệu (datacenter); trạm thu phát sóng vô tuyến điện cố định sử dụng trong nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, thông tin di động, hàng không, hàng hải, dẫn đường, định vị, vệ tinh, phát chuẩn, nghiệp dư; đài phát thanh, đài truyền hình. Quy chuẩn này không áp dụng cho nhà thuê bao.

Đối tượng áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thiết lập, quản lý, khai thác các trạm viễn thông theo quy định nêu trên tại Việt Nam.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc GSM

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM (QCVN:2016/BTTTT) được ban hành kèm theo Thông tư 30 ngày 8/12/2017 của Bộ TT&TT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này thay thế cho Quy chuẩn QCVN 41:2011/BTTTT. Bộ TT&TT cho biết, các quy định kỹ thuật và phương pháp đo của QCVN 41:2016/BTTTT phù hợp với tiêu chuẩn ETSI EN 301 502 v12.1.1 (2015-03) của Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM vừa chính thức có hiệu lực thi hành được áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM để sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM hoạt động trên các băng tần P-GSM 900 (hướng phát 935 MHz - 960 MHz; Hướng thu 890 MHz - 915 MHz); E-GSM 900 (Hướng phát 925 MHz - 960 MHz; hướng thu 880 MHz - 915 MHz); DCS 1 800 (hướng phát 1.805 MHz - 1.880 MHz; hướng thu 1.710 MHz - 1.785 MHz).

Quy trình dùng thiết bị cân kiểm tra trọng tải xe cơ giới, camera giao thông

Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa ký ban hành ngày 28/2/2017.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017, Thông tư 06 của Bộ GTVT quy định về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (gồm thiết bị cân hoặc bộ cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới và máy chụp ảnh, camera - PV) do các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Thông tư 06, cơ quan quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT và tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cùng với việc quy định cụ thể trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra trọng tải xe, từ thiết bị ghi hình, Thông tư 06 cũng thông tin rõ về khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền được biết thông tin vi phạm thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Tàng trữ trái phép bản ghi hình ca múa nhạc cấm phổ biến bị phạt tới 25 triệu đồng

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131 ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được Chính phủ ban hành ngày 20/3/2017 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5/2017.

Theo quy định tại Điều 38 - “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra” của Nghị định 28, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này”.

Cũng theo Nghị định 28, phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung thì sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được phép phổ biến hoặc chưa dán nhãn kiểm soát.

Hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

Quy định thu giá sử dụng đường bộ điện tử không dừng

Quyết định 07 quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/3/2017.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2017, Quyết định này nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng; khắc phắc phục những hạn chế, bất cập do mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí bằng tay hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển; đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng tính minh bạch của hoạt động thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, giảm hao mòn phương tiện giao thông; cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước và đảm bảo cho nhà nước có công cụ để quản lý giao thông tốt hơn.

Quyết định 07 nêu rõ, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Việc gắn thẻ đầu cuối phải được thực hiện tại các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền; Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên; khi thẻ bị mất, hỏng, chủ phương tiện được gắn thẻ đầu cuối mới và phải trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ.

Nhà cung cấp dịch vụ thu giá mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối; Mỗi tài khoản trả trước có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện, nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ 1 tài khoản. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng; sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc Trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá; Nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý; Thông qua đơn vị trung gian thanh toán…