Ngày 22/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi lễ công bố chính thức vận hành hệ thống hệ thống chẩn đoán, chữa bệnh từ xa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng đây là sẽ mô hình hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực trước hết cho những người mắc bệnh hiểm nghèo ở vùng sâu vùng xa, sẽ cứu được nhiều người bệnh ở bệnh viện tuyến dưới đồng thời giúp giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên.
![]() |
Ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: mỗi năm có hàng trăm bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa phải chết tức tưởi trên đường chuyển viện vì chặng đường dài; các bệnh viện chuyên khoa lớn trên địa bàn TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải đến ngột ngạt bởi bệnh nhân từ các tỉnh đổ về chiếm từ 30 - 50%… Đó chính là lý do của sự ra đời, vận hành hệ thống chẩn đoán, chữa bệnh từ xa.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi hệ thống màn hình trực tuyến được đưa vào hoạt động, bất cứ khi nào gặp ca bệnh khó, phức tạp vượt quá khả năng chuyên môn, các bác sĩ tuyến cơ sở đều có thể yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ từ xa để có hướng giải quyết đúng đắn và chính xác nhất.
Với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa đang trong tình trạng nguy kịch, những bệnh có thời gian tiến triển nhanh, việc phải chuyển viện cần hạn chế đến mức thấp nhất bởi chặng đường chuyển viện hàng trăm cây số gắn liền với nguy cơ tử vong rất cao.
Vừa qua, trong giai đoạn thí điểm, tuyến hỗ trợ có bệnh viện là BV Từ Dũ, BV Nhi đồng 1, BV Chấn thương chỉnh hình. Tuyến yêu cầu hỗ trợ có 4 BV Đa khoa Củ Chi - TP.HCM, Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre, Gia Lai, An Giang. Bước đầu, mô hình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thông qua cầu truyền hình trực tiếp, chia sẻ về điều này, đại diện Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre cho biết: giữa năm 2011, trong lúc bệnh tay chân miệng (TCM) đang trong tình trạng nghiêm trọng, một bệnh nhi tên Trương Thị Tuyết An (5 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, bệnh diễn tiến rất nhanh. Cháu An được chẩn đoán mắc TCM cấp độ 4, huyết áp bằng 0, thời gian cứu sống được tính bằng từng phút. Trường hợp trên nếu chuyển viện, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ đã lập tức kết nối với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để được hỗ trợ. Sau đó, cháu An đã được xuất viện sau một tuần điều trị. Ca cứu sống bệnh nhân trên đã tạo động lực để bệnh viện quyết tâm tham gia mô hình này.
Theo kế hoạch, hệ thống trên sẽ chính thức được đưa vào vận hành. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với các bệnh viện, cơ quan chức năng thực hiện xây dựng trên 100 cơ sở, trong đó sẽ tiến hành triển khai trên cả quần đảo Trường Sa.
M.Phượng