Ngày 25/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bà Nguyễn Thị Bích Loan - nguyên Kế toán trưởng Vinalines.

Ngoài bà Loan, cơ quan điều tra còn ra quyết định khởi tố bị can với 6 đối tượng khác bao gồm: Lê Văn Dương - đăng kiểm viên; Trần Hải Sơn - nguyên Giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Mai Văn Khang - cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines cùng 3 cán bộ hải quan Tân Phong ( Khánh Hòa) là Lê Ngọc Tiệm, Lê Văn Lừng và Huỳnh Ngọc Đức - Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Phong. Riêng bị can Mai Văn Khang được tại ngoại.

Cả 7 bị can trên cùng bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến những sai phạm trong quá trình đầu tư mua ụ nổi No83M. 


Ụ nổi No83M vẫn đang nằm đắp chiếu, trong khi chi phí phát sinh trong thời gian không sử dụng là 1,6 tỷ đồng/tháng (Ảnh: Thanh niên)

Liên quan đến vụ việc, trước đó cơ quan điều tra cũng đã tiến hành khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải.

Tuy nhiên, việc bắt giữ bất thành do ông Dũng vắng mặt bất thường tại nơi cư trú cũng như nơi làm việc.

Ngày 21/6, tổ chức Interpol đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Dương Chí Dũng trên phạm vi toàn thế giới.

Như vậy, liên quan đến vụ án này, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 13 bị can, trong đó bị can Trần Hải Sơn bị khởi tố về hai tội danh cố ý làm trái và tham ô tài sản.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc mua ụ nổi đã gây lãng phí vốn đầu tư 489,6 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng khoản chi phí, lãi vay (từ ngày 30/4/2010 - 30/9/2011) là 24,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, ụ nổi này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Chi phí phát sinh trong thời gian không sử dụng 1,6 tỷ đồng/tháng.

Đ.Tâm (tổng hợp)