Ở bản Hiềm, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu (Sơn La) ai cũng biết đến bà Lò Thị Thiên bởi đây là một trong những gương điển hình về thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng; phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, bà còn là người phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc.
Theo đó, được sự tin yêu của bà con trong bản, sự tín nhiệm của Đảng viên trong chi bộ, từ năm 2018 đến năm 2022, bà Thiên được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Hiềm, xã Bản Lầm. Thời điểm đó, bản còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 40% số hộ trong bản, nhiều thanh niên mắc các tệ nạn xã hội, bản không có sân chơi, không có nhà văn hóa. Là người đứng đầu cấp ủy, bà Thiên luôn canh cánh nỗi niềm làm sao để người dân trong bản không đói nghèo, có nơi để sinh hoạt văn hoá.
Vì vậy, một mặt bà Thiên đã vận động bà con đóng góp sức người, sức của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây được nhà văn hóa cấp IV; tuyên truyền, vận động chị em trong độ tuổi sinh con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với đó, bà tích cực giúp đỡ, hòa giải những vấn đề xích mích trong gia đình cũng như giữa các gia đình trong bản; tư vấn kịp thời cho chị em phụ nữ về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, nuôi dạy con tốt.
Trong xây dựng gia đình văn hoá, gia đình bà Thiên cũng là một trong những điển hình về giữ gìn hạnh phúc gia đình ở địa phương. Bà luôn năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Theo bà Thiên, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục con người, do đó các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Mới đây, ngôi nhà nhỏ của gia đình bà càng thêm hạnh phúc khi được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.

Cũng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và 5 năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình bà Tòng Thị Học, bản Cang, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp hiện nay vẫn duy trì 3 thế hệ cùng chung sống.
Trong gia đình, vợ chồng bà luôn gương mẫu, hòa thuận để làm gương và giáo dục con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo. Vì vậy mà cả 3 người con của bà Học đều được học hành đầy đủ, các cháu khi trưởng thành đều có cuộc sống ổn định. Các thành viên đều nỗ lực làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Là tỉnh miền núi với 12 dân tộc anh em, Sơn La coi việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ là một trong những điều kiện để hình thành xã hội công bằng, văn minh.
Thấm nhuần được những giá trị đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương ở Sơn La tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa. Từ đó, tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ và khuyến khích mỗi gia đình nỗ lực trong xây dựng mái ấm hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình làm kinh tế giỏi”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc”, “Gia đình điển hình trong xây dựng nông thôn mới”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” …
Trong năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu có 70% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 78% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; 98% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở; 98% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và 98% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...
Để làm được điều đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó, tập trung đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác gia đình; chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình.
Nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố trong tuyên truyền, phổ biến truyền cảm hứng cho các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống.
Ứng dụng phần mềm, công cụ trên không gian mạng để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, xung đột, bạo lực trong gia đình.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.