Anh ngư dân thuyền trưởng tàu bị Trung Quốc bắn cháy kể: "Sáng 20.3, khoảng 7 giờ 7.30, khi thuyền viên đang lặn xuống biển để đánh bắt cá, thì tàu Trung Quốc tới. Khi phát hiện ra tàu Trung Quốc, tôi gọi anh em lên, khoảng 15 phút sau mới đầy đủ, và tàu chúng tôi bỏ chạy."
"Khoảng nửa tiếng sau, trong khi vẫn đang chạy, tôi nghe đùng đùng mấy tiếng nổ, khoảng 4 phát, anh em mới hô lên là ca bin đang cháy. Tôi mới hò hét anh em lấy xô chậu múc nước biển dập lửa", Phải kể tiếp.
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Phải, thuyền trưởng tàu bị bắn cháy, kể lại cho nhóm phóng viên TV Tokyo ở Lý Sơn vào đầu tháng 5 vừa rồi. TV Tokyo đã làm bộ phim tài liệu kéo dài khoảng 30 phút để phát trên TV Tokyo, như những tư liệu phục vụ cho cuộc toạ đàm giữa các học giả Nhật liên quan đến những căng thẳng liên quan tới Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, vào ngày 18.5.
![]() |
Ngư dân Nguyễn Văn Phải bên chiếc tàu bị Trung Quốc bắn cháy. Ảnh: Trần Huy Công |
Vào cuối tháng 4, tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã diễn ra lễ hội Khao lề thế lính hàng năm. Và, lần đầu tiên trong lịch sử lễ hội này, người nước ngoài, đặc biệt là phóng viên nước ngoài, được nồng nhiệt mời tham quan và đưa tin.
Đây là sự kiện thứ hai diễn ra trong năm nay tại Việt Nam, sau sự kiện nhà nước lần đầu tiên chính thức tổ chức lễ tưởng niệm Gạc Ma. Vào đầu năm tới là kỷ niệm đúng 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm trái phép hoàn toàn Hoàng Sa.
Giáo sư Carl Thayer cùng các học giả nước ngoài dự hội thảo ở Đại học Phạm Văn Đồng ngày 27.4 đã tham quan Lý Sơn vào ngày hôm sau. Còn trong số phóng viên nước ngoài người ta thấy chủ yếu là phóng viên Nhật, gồm NHK, Asahi TV, Kyodo, hay Tokyo TV. Họ đều là những phóng sự ngắn phát ngay hôm sau, chủ yếu là về lễ hội Khao lề thế lính, và câu chuyện tàu ngư dân bị Trung Quốc bắn vào ngày 20.3.
![]() |
Phóng viên TV Tokyo quay rất kỹ con tàu. Ảnh: Trần Huy Công |
Ông Dương Đình Huy, phóng viên của TV Asahi tại Việt Nam, người trực tiếp quay phóng sự này, cho biết: "Lễ khao lề thế lính, tổ chức hàng năm suốt hơn 2 thế kỷ đã chứng tỏ chủ quyền lâu đời, không thể tranh cãi, của Hoàng Sa đối với Việt Nam. Còn việc ngư dân bị Trung Quốc bắn chứng tỏ những hành động leo thang của Trung Quốc trong cư xử với ngư dân ở Biển Đông."
Trước đó, dù phóng viên nước ngoài đã đề nghị không ít lần, chỉ có hai phóng viên nước ngoài may mắn được cho phép đến Lý Sơn để phỏng vấn ngư dân ở đó, nhất là những ngư dân đánh cá trong khu vực Hoàng Sa và bị Trung Quốc tịch thu ngư cụ, thuyền bè. Đó là Greg Torode từ South China Morning Post vào năm 2010, và Miyake Kazuhisa của Kyodo vào cuối năm 2011. |
Công kể rằng TV Tokyo, sau khi anh Phải kể xong câu chuyện, đã hỏi: "Ngư trường truyền thống của các anh là ở đâu?"
Phải trả lời: "Khu vực Hoàng Sa. Đời cụ kỵ tôi, đời ông tôi và bố tôi đều đánh cá ở đó."
Họ lại hỏi tiếp: "Sau khi bị bắn thế này, và nguy cơ còn bị bắn tiếp, kế hoạch tương lai của anh sẽ ra sao?"
Phải trả lời: "Đi sửa tàu, và tiếp tục đánh bắt cá ở nơi cũ. Nếu gặp Trung Quốc, nếu họ đuổi, chúng tôi lại chạy, họ hết đuổi, chúng tôi lại quay lại Hoàng Sa."
Ngoài Nguyễn Văn Phải, TV Tokyo còn phỏng vấn một loạt ngư dân, những người đã bị Trung Quốc bắt, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ. Có người còn bị đi tù nữa.
Họ hỏi: "Ngư trường truyền thống bao đời nay là Hoàng Sa, vậy mà Trung Quốc đang dùng mọi thủ đoạn để cưỡng đoạt chủ quyền, ông nghĩ sao?"
Có một ngư dân trả lời rất hay: "Nếu đây là lãnh hải của Trung Quốc, thì không phải đợi đến bây giờ Trung Quốc mới đi đòi lại!"
Một ngư dân khác, người đã bị Trung Quốc bắt hai lần, tịch thu hết ngư cụ, thuyền bè, mà vẫn tiếp tục vay tiền, sắm sửa tàu mới để ra khu vực Hoàng Sa đánh cả tiếp tục, đã bức xúc nói: "Chúng tôi là ngư dân, trong tay không súng đạn, mà Trung Quốc mang tàu có trang bị vũ khí để "bắt nạt". Rõ ràng, họ hành xử không ra dáng một nước lớn."
Toàn bộ phần phỏng vấn ngư dân trên đảo Lý Sơn là một phần trong bộ phim tư liệu. Phần kia là cuộc sống bình thường của người Việt Nam, sau mấy chục năm hoà bình và hội nhập kinh tế.
Ví dụ, Công kể, ngày 30.4, và 1.5, TV Tokyo đi quay cảnh ở Hà Nội, thấy thanh niên đi xem ca nhạc, hò hét phấn khởi... Hay, TV Tokyo quay cảnh các gia đình, đặc biệt là giới trẻ, làm ăn khá giả, sắm toàn đồ đắt tiền của Nhật về dùng, Công kể tiếp.
Các nhà làm phim của TV Tokyo còn chú ý đến sự phát triển kinh tế, thông qua các hình thức liên kết với người Nhật. Chẳng hạn, cảnh tấp nập đầu tư ở khu Nomura (Hải Phòng), hay biến quảng cáo hàng hoá của Nhật ở khắp mọi nơi.
"Chiến tranh, như trong quá khứ, là một nguy cơ cứ luôn hiển hiện đe doạ người dân Việt Nam, sau một giai đoạn hoà bình và phát triển. Nhất là với sự lớn mạnh và ngày càng hiếu chiến, của Trung Quốc", Công nói.
Đồng bệnh tương liên
Khi quan sát trên chiếc tàu bị bắn cháy của anh Phải, có một phóng viên TV Tokyo tìm thấy một hộp nhỏ, như hộp thuốc đánh răng, cháy cong queo, nhưng vẫn có sót dòng chữ Wasabi trên đó. Anh Phải nói: "Mù tạt của Nhật đấy, chúng tôi toàn bắt cá sống ăn với mù tạt, rất ngon."
Wasabi (do Nhật Bản sản xuất) không phải là cái duy nhất mà người phóng viên TV Tokyo nhận thấy là điểm chung giữa Nhật Bản và Việt Nam, trong mối liên quan tới người hàng xóm Trung Quốc. Vấn đề ngư dân là điểm chung thứ hai mà Trung Quốc chọn để ứng xử với cả Nhật Bản và Việt Nam, trong câu chuyện tranh chấp biển đảo. Mặc dù, với từng nước theo những cách hoàn toàn khác nhau.
Từ câu chuyện thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc "đâm vào tàu tuần tra của Nhật" và bị bắt giữ năm 2010 ở vùng biển Senkaku (người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần đây, sau khi ban lãnh đạo mới lên nhậm chức, đã phát triển lên thành hành động "gây hấn".
Họ tiếp tục cho ngư dân, với số lượng ngày càng nhiều hơn, vào đánh cá ở khu vực mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Thậm chí, họ còn dùng radar để phát hiện khu vực nào tàu tuần tra của Nhật đang hoạt động để báo cho ngư dân Trung Quốc biết chỗ đó mà tránh ra.
Trung Quốc còn xúi giục các ngư dân của Đài Loan, hay Hồng Công, làm những việc tương tự đối với Nhật Bản.
Chính vì vậy, mỗi động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đều được đều được quốc đảo bên kia biển Hoa Đông quan tâm sâu sắc. Hay như người ta nói là "đồng bệnh tương lân".
Huỳnh Phan