Trong thông cáo số 22 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ghi vào sáng thứ Năm 19/11/2015, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản; cùng với đó Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng.
![]() |
Trước đó vào sáng ngày 29/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về bảo vệ thông tin riêng, thông tin cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội cho rằng, các nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân trong dự thảo Luật chủ yếu phục vụ thương mại kinh doanh nhưng chưa nêu rõ giải pháp đảm bảo an toàn trước các rủi ro cụ thể như việc mất an toàn thông tin tài khoản cá nhân khi giao dịch qua mạng, giả mạo hợp đồng điện tử, giả mạo tài khoản thư tín điện tử cá nhân để giao dịch.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, việc bảo vệ thông tin cá nhân mà chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước không thôi là chưa đủ. Cụ thể, khi sử dụng các dịch vụ điện tử người sử dụng phải kê khai các thông tin cá nhân để cung cấp theo yêu cầu của các nhà mạng và nếu không được bảo vệ thì các thông tin này có thể bị sử dụng trái phép. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung điều khoản về trách nhiệm của nhà mạng bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Dù sao việc Luật An toàn thông tin mạng ra đời sẽ đem lại những tác động tích cực trong quản lý và đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật An toàn thông tin mạng. Phát biểu tại buổi Quốc hội thảo luận ở tổ ngày 13/6/2015 Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định: “Trong thời đại ngày nay, an toàn thông tin trở thành vấn đề cấp bách, tác động thường xuyên, không ngừng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn bảo đảm hành lang pháp lý trong lĩnh vực này”.