Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng: Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Văn Ga và Phạm Mạnh Hùng.

Theo quyết định mới ban hành, cùng với việc được phân công là chủ tài khoản số 2 của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng được phân công phụ trách ứng dụng CNTT, bên cạnh các lĩnh vực khác như: cơ sở vật chất và thiết bị trường học; xã hội hóa giáo dục; cổ phần hóa doanh nghiệp; cải cách hành chính; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến pháp luật; báo chí, xuất bản, truyền thông và quan hệ với các cơ quan Trung ương; thanh tra; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; phòng chống lụt bão, thiên tai và biến đổi khí hậu; đảm bảo cơ sở vật chất và hoạt động của cơ quan Bộ; công tác Đảng và Đoàn thanh niên; dân quân tự vệ của cơ quan Bộ.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng được giao phụ trách Cục CNTT; Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em; Văn phòng; Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ; Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM; Tạp chí Giáo dục; Báo GD&TĐ; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Viện Nghiên cứu thiết kế trường học; cùng các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Đồng thời, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng phụ trách các Đề án, Chương trình, Dự án, Hội: Đề án Kiên cố hóa trường lớp học; Hiệp hội Thiết bị Giáo dục Việt Nam; các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Lào; Tham gia các Ban Chỉ đạo, Hội, Hiệp hội: Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Hội Khuyến học Việt Nam; Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Cơ quan Bộ; và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng sinh năm 1958, quê quán Thái Nguyên, là đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nguyên Cục trưởng  Cục Nhà giáo Việt Nam, nguyên Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT.

Tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam theo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và hàng năm chủ động đề nghị phối hợp với các tổ chức quốc tế liên quan để cung cấp các số liệu này kịp thời, đầy đủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng phương án và thực hiện qua mạng điện tử việc xét tuyển đầu cấp, bao gồm cả xét tuyển đại học, cao đẳng trên toàn quốc; xây dựng và đưa vào triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo các cấp học trên mạng và ứng dụng CNTT trong dạy và học, sách giáo khoa điện tử.

Theo báo cáo Quý II/2016 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, tính đến hết tháng 6/2016, Bộ GD&ĐT đã cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 1 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử việc xét tuyển đầu cấp học (gồm cả xét tuyển đại học, cao đẳng) trên toàn quốc. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện và Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến từ ngày 16/6/2016, áp dụng trên 1.500  trường học; Bộ cũng đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia và dịch vụ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước theo phương thức trực tuyến ở mức độ 3.