
Mình luôn khác mình trong mắt mọi người
Có tiếng là con ngoan, NTN (23 tuổi) còn làm hài lòng bố mẹ khi trong suốt 12 năm học N đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bên cạnh đó, bạn còn thường xuyên tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện đến cấp tỉnh. Tuy nhiên khi nhắc lại những thành tích ấy N thường thở dài ngao ngán: Những thành tích của mình thì nhiều nhưng nếu bạn mà hỏi bố mẹ mình thì nó còn hơn thế gấp nhiều lần.
Hễ mỗi lần mình đi thi bất kỳ kì thi nào thì y rằng cả làng cả xóm mình biết luôn. Mà không chỉ thế, bố mẹ mình còn cứ hay nâng kết quả của mình lên nữa chứ. Mình nhớ nhất hồi năm lớp 8 mình đi thi học sinh giỏi cấp huyện môn Hóa. Lần đó mình chỉ được giải nhì thế nhưng ngay hôm sau cả làng mình bảo mình được giải nhất môn Hóa lại còn được cả giải nhất môn Toán nữa. Ra đường gặp ai họ cũng tấm tắc khen, thậm chí chỉ chỏ mình để làm gương cho con cái họ. Mình ngượng lắm.
Cũng chung hoàn cảnh như N, bạn TNQ (sinh viên trường ĐH Hà Nội) cũng không khỏi nhiều lần phát ngượng khi bố cô luôn vẽ vời cô quá hoàn mỹ trong mắt mọi người.
Bố Q là Phó chủ tịch của một huyện, mỗi lần lên cơ quan, ông đều không ngớt lời tán tụng con. “Ngày mình còn học phổ thông, bố gán cho mình đủ danh hiệu nào là học sinh giỏi cấp tỉnh, nào được thầy cô này mời vào đội tuyển này, thầy cô khác mời vào đội tuyển kia. Gần đây nhất bố mình còn nói với mọi người là mình được một công ty danh tiếng của nước ngoài mời làm việc”.
Là quý tử, bố mẹ lại làm to, N.T.Tuấn (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân) luôn là “cái áo” đẹp nhất, quý nhất để bố mẹ cậu trưng diện với bạn bè, quan khách. “Ngày trước cũng như bây giờ, đi đâu cũng vậy, cứ có dịp là bố mẹ mình lại khoe mình ra. Bố mẹ kể về mình như kể về một vị thần. Nhưng khổ nỗi mình có xuất chúng đến vậy đâu”.
Cái “bệnh” khoe con không chỉ là bệnh của những người làm to mà là bệnh của cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Anh Trường, nhân viên của một công ty chuyên về nội thất kể: “Bố mẹ mình chỉ là những người nông dân chân chất. Về cơ bản bố mẹ rất tốt nhưng chỉ có một điều mình không thể cảm thông cho bố mẹ được là cái tật cứ khoe con. Ngày đó mình đưa bạn gái về giới thiệu.
![]() |
Sự khoe khoang không phải lúc nào cũng mang lại điều tốt đẹp (Ảnh minh họa - Nguồn vietbao). |
Bạn gái làm cùng cơ quan với mình và là con của bác bảo vệ trong cơ quan. Thế nhưng bố mẹ mình lại đi kể với mọi người là bạn gái mình là con gái của giám đốc cơ quan mình làm. Bố mẹ còn nói rất nhiều thứ nữa. Mình nghe xong thấy xấu hổ lắm và còn thấy có lỗi với cả người yêu mình nữa”.
Hậu quả khó lường
Cứ khoe con thật nhiều mà các ông bố bà mẹ không lường hết được hậu quả mà chính con cái họ sẽ phải gánh lấy.
N ngậm ngùi kể: vì bố mẹ khoe khoang là mình được giải nhất Hóa, nhất Toán rồi đến tai bạn học cùng lớp ở xã bên. Cái gì đến cũng phải đến cả quãng thời gian còn lại của năm lớp 8 và lớp 9, mình dường như không còn một người bạn nào để chơi. Chiếc xe đạp mini nhật bố mẹ mua thưởng cũng bị các bạn xử vì cho rằng mình khoác lác. Hầu như ngày nào mình ra lấy xe, xe cũng đã đổ và bị để riêng một chỗ. Xe thì trầy xước. Không chỉ vậy mà đã mấy lần mình phải dắt xe giữa trời nắng gay gắt vì bị chọc thủng săm. Biết là các bạn cùng lớp làm nhưng không giận mà chỉ thấy giận bố mẹ ghê gớm”.
Không bị bạn bè xa lánh, không phải dắt xe bộ vì thủng săm như N nhưng Q bị một vố mà xét về sĩ diện có khi còn đau hơn của N. Là con một nên lấy xong tấm bằng cử nhân, Q quyết định về quê làm cho gần bố mẹ. Ngày đầu tiên đi làm đầu tiên Q bị một phen ngại không biết chốn đi đâu.
Q hậm hực kể: Vừa nhìn thấy mình, trước mặt bao nhiêu người trong phòng, một anh bô bô: Giỏi như em sao không ở Hà Nội làm công ty nước ngoài về cái vùng quê khỉ ho cò gáy này làm gì? À anh có mấy bản tài liệu tiếng Nga chưa dịch được tí em dịch hộ nhé. Nghe đến đó mình ngượng chín mặt chỉ muốn chui xuống đất bởi mình có học Tiếng Nga nhưng từ hồi cấp 3 thôi còn vào đại học mình học tự nhiên nên có nhớ gì đâu. Hỏi ra mới biết tại bố mình khoe với mọi người là mình được một công ty của Nga nhận vào làm.
Chỉ vì cái tài “chém gió” của bố mẹ mà rồi anh Trường đã mất bạn gái. Anh đau xót nhớ lại: nhà cô ấy có họ hàng xa ở làng bên. Hôm đó họ lên Hà Nội rồi tiện thể vào nhà cô ấy chơi. Thế là họ hỏi, họ kể hết những gì bố mẹ mình “tâng bốc” với bà con hàng xóm ở quê. Người yêu mình nghe xong giận quá đã điện thoại nói chuyện với mình và đòi chia tay bởi cho rằng mình và gia đình mình đã không tôn trọng cô ấy. Dù mình giải thích thế nào cũng không được chấp nhận bởi cô ấy không thể chấp nhận bố mẹ chồng như thế.
Cảm xúc người trong cuộc
Khi được hỏi rằng: Các bạn có hãnh diện khi được bố mẹ làm cho hoàn hảo như vậy không? Câu trả lời chung tôi đều nhận được từ các nhân vật là : “Không”.
Bạn N thì cho rằng: Việc bố mẹ khoe khoang mình quá với thực tế không chỉ làm mình phải gánh hậu quả mà tâm lý của mình cũng không hề thấy thoải mái. Mình luôn có cảm giác mình quá kém, không được như bố mẹ mong đợi nên bố mẹ phải tạo ra vỏ bọc như vậy chăng.
Đó cũng là suy nghĩ của bạn Q: “Mình luôn cảm thấy có hàng tá áp lực đang đổ lên mình. Nhiều khi mình cảm thấy xa lạ với bố mẹ vô cùng, giận bố mẹ đến mức không muốn nói chuyện luôn”.
Khi còn nhỏ nghe hàng xóm, đồng nghiệp, đối tác của bố mẹ tán dương Tuấn tỏ ra rất thích thú. “Nhưng càng lớn lên mình càng thấy lố bịch, mình thấy mình thành kẻ lừa dối. Mình thấy cô hàng xóm mắng con thậm tệ rồi lôi mình ra làm gương mà mình thấy xấu hổ ghê gớm. Bởi quả thực mình có được như thế đâu”, Tuấn chia sẻ.
Lời kết
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về vấn đề bố mẹ quá khoe con để rồi chính con cái họ thậm chí họ là người phải gánh hậu quả. Thay vì cố gắng khoe con, cố gắng vẽ vời để con mình thật hoàn mỹ thì tốt nhất các bậc phụ huynh hãy để con mình tự thể hiện khả năng của mình.
Sự khoe khoang không phải lúc nào cũng mang lại điều tốt đẹp. Nếu khoe quá sự thật thì vô hình chung nó sẽ trở thành liều thuốc nổ giết chết sự tự tin và sự sĩ diện của chính con cái họ.
Thanh Dung