Báo cáo làm rõ thêm về nội dung của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đưa ra quan điểm trước ý kiến cần đưa hộ kinh doanh cá thể vào dự thảo luật nhằm thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, đối tượng áp dụng của luật hiện nay là các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh. 

Tại Nghị quyết số 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh cá thể. 

“Bộ Tài chính đang đề xuất trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Luật về hộ Kinh doanh để xác định tính pháp lý cũng như mô hình, tổ chức cho hộ kinh doanh cá thể”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, khi trình Chính phủ và Bộ Chính trị Nghị quyết 68, Bộ Tài chính cũng đã tính đến việc để có được 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2045, sẽ phải có một số lượng nhất định chuyển dịch từ hộ kinh doanh cá thể sang đối tượng thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nghị quyết 68 đã có tính toán đầy đủ những giải pháp khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện, khả năng chuyển sang doanh nghiệp, trong đó có các chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thiểu các thủ tục về kê khai thuế, điều kiện về lao động, đồng thời cũng bỏ cơ chế thuế khoán đối với hộ kinh doanh, kê khai thuế theo doanh thu thực tế như doanh nghiệp và phải xuất hoá đơn được khởi tạo từ máy tính tiền. 

Nguyễn Văn Thắng 20.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, báo cáo trước Quốc hội về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 20/5/2025. Ảnh: QH. 

Về giới hạn tỷ lệ vay nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, một số ĐBQH cho rằng không nên áp dụng một tỷ lệ cứng nhắc bởi điều này có thể khiến doanh nghiệp giảm đi cơ hội huy động vốn, trong khi nền kinh tế của chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, cần có đòn bẩy để các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần có cơ chế kiểm soát việc này. Theo Bộ trưởng, vừa qua một số doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp chưa đại chúng, lợi dụng việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động lượng tiền rất lớn, nhưng sau đó không trả được nợ cho nhà đầu tư. Những vụ việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự của xã hội.

Bộ trưởng Thắng chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Tại châu Âu, một số quốc gia phát triển cũng quy định về hệ số nợ. Còn tại châu Á, nhiều quốc gia không có quy định này nhưng họ đều là những quốc gia có sự minh bạch về thông tin doanh nghiệp, hoặc sử dụng nhiều công cụ khác để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, nhất là vấn đề huy động vốn.

Trong khi đó, hiện nay chúng ta chưa đủ các điều kiện để có thể không quy định về giới hạn hệ số nợ trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.  

“Qua tham khảo các bộ, ngành và lấy ý kiến các doanh nghiệp, ban soạn thảo thấy rằng quy định giới hạn không quá 5 lần vốn chủ sở hữu là phù hợp. Thực tế không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi cần giới hạn bao nhiêu lần, chỉ có một câu trả lời đó là “ổn định”, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, giá trị trái phiếu dự kiến phát hành không quá 5 lần vốn chủ sở hữu về cơ bản không ảnh hưởng việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp phải cơ cấu lại nợ khi đã chạm mức trần hệ số nợ do. Bên cạnh phát hành TPDN riêng lẻ, doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua phát hành trên thị trường chứng khoán hoặc vay vốn ngân hàng.