Tòa nhà Bưu điện Gia Định nằm trên đường Phan Đăng Lưu (TPHCM) đã trở thành một cửa hàng bách hoá. Sự thay đổi diễn ra ít ngày trước, khiến nhiều người sống trong khu vực này thấy lạ lẫm.

Bên trong cửa hàng bách hóa, theo ghi nhận của PV VietNamNet, lượng hàng hóa chưa thực sự đa dạng, khách mua hàng cũng chưa đông.

Tuy nhiên, điểm cộng của mô hình này là đã kết hợp được giữa cung cấp dịch vụ bưu chính truyền thống như chuyển phát nhanh, gửi hàng, thu hộ - chi hộ... với việc kinh doanh hàng hóa tiêu dùng trong cùng một không gian.

W-bach hoa 1.jpg
Bách hóa Bưu điện TPHCM trở thành một điểm giao dịch đa tiện ích. Ảnh: Trần Chung
W-bach hoa 2.jpg
Cửa hàng bách hóa mới mang diện mạo hoàn toàn khác, thay thế hình ảnh quen thuộc của Bưu điện Trung tâm Gia Định trước đây. Ảnh: Trần Chung

Cửa hàng này là một trong ba điểm “Bách hóa Bưu điện” vừa được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietNam Post) khai trương tại TPHCM. Mỗi cửa hàng phân phối gần 2.000 mã sản phẩm đến từ 135 thương hiệu khác nhau. Trong năm 2025, kế hoạch của VietNam Post là tiếp tục mở rộng chuỗi bách hóa lên khoảng 300 cửa hàng tại 26 tỉnh/thành trên cả nước.

Bước chuyển của VietNam Post diễn ra khi các mô hình truyền thống đang phải đối mặt với yêu cầu tái cấu trúc, trong khi những hình thái bán lẻ linh hoạt, giàu tính trải nghiệm và tích hợp công nghệ đang vươn lên. Sự thành công của mô hình Bách hóa Bưu điện còn bỏ ngỏ sau sự xuất hiện mờ nhạt của Postmart trước đó. 

Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi do Vietnam Post triển khai, kết hợp giữa mô hình bưu điện và bán lẻ, xuất hiện tại một số địa phương nhằm tận dụng lợi thế mạng lưới hơn 13.000 điểm phục vụ, trong đó có trên 8.000 Bưu điện Văn hóa xã trải dài đến tận thôn, bản.

Dẫu vậy, theo Savills Việt Nam, trái với lo ngại rằng thương mại điện tử sẽ “thế chân” hoàn toàn bán lẻ vật lý, thực tế cho thấy người tiêu dùng toàn cầu đang quay trở lại với cửa hàng như một điểm đến mua sắm - trải nghiệm - tương tác.

Báo cáo Impacts 2025 của Savills nhấn mạnh rằng các nhà bán lẻ trên toàn thế giới đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng, với minh chứng từ thị trường Mỹ. Gần 80% tổng chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống, một tỷ lệ rất đáng kể trong thời đại số.

W-bach hoa 3.jpg
Một số mặt hàng được bán bên trong điểm giao dịch của bưu điện. Ảnh: Trần Chung

Tại Việt Nam, báo cáo hồi đầu năm của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS cho hay, siêu thị mini sẽ là động lực chính cho bán lẻ tạp hóa hiện đại và tốc độ mở rộng loại hình này sẽ còn nhanh hơn trong năm 2025. 

Cũng theo công ty chứng khoán này, siêu thị mini phổ biến ở các quốc gia, nơi người dân có tỷ lệ sở hữu xe máy cao như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam do sự thuận tiện trong việc di chuyển. Tuy nhiên, ở các thị trường phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi các siêu thị lớn vốn đã được kết nối sẵn với cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng tốt, thì sự tiện lợi của siêu thị mini có thể sẽ không rõ ràng.

Do đó, bán lẻ tạp hóa hiện đại tại Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng vì kênh này hiện chỉ chiếm 12,2% giá trị thị trường bán lẻ tạp hóa, so với con số khoảng 50% của Thái Lan và Indonesia, báo cáo nêu.