Tăng trưởng tín dụng thấp, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể nhiều khiến nhiều người lo ngại. Nhưng đó là cơ hội để loại bỏ những DN kém hiệu quả, thành lập và phát triển thiếu bền vững.



Suốt 5 tháng đầu năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được theo dõi sát sao, cập nhật từng tháng. Liên tục nhiều tháng tín dụng toàn hệ thống âm và chỉ trở lại trạng thái cân bằng vào cuối tháng 5. Nhiều lo ngại tín dụng đóng băng, không được luân chuyển trong nền kinh tế gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hết sống nhờ vào tiền giá rẻ

Trong giai đoạn 2006-2010, tín dụng cho nền kinh tế tăng bình quân 33,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 26,1%/năm của giai đoạn 2001-2005 và tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng từ 0,71 lần năm 2006 lên mức 1,16 lần năm 2010.

Năm

2006

2007

2008

2009

2010

Ước 2011

Tốc độ tăng M2

32,0

41,2

20,3

27,5

29,8

~ 10%

Tốc độ tăng tín dụng

24,8

48,9

23,4

37,5

31,2

12-13%

M2/GDP danh nghĩa (lần)

0,97

1,16

1,08

1,23

1,34

1,15

Tín dụng/GDP danh nghĩa (lần)

0,71

0,90

0,86

1,06

1,16

1,02

Nguồn: UBGSTCQG. Bảng 1: Tốc độ tăng cung tiền và tín dụng giai đoạn 2006-2011


Đó là những năm hào hứng của các doanh nghiệp bởi dễ dàng vay vốn lãi suất thấp, thậm chí còn hỗ trợ một nửa lãi suất vay như năm 2009. Tuy nhiên chính sự dễ dãi với tiền giá rẻ khiến cho doanh nghiệp được thành lập ồ ạt, số lượng đăng ký

Tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn nền kinh tế đến năm 2010 khoảng 539 nghìn doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm có 66,3 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tốc độ tăng bình quân đạt 18%/năm. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp dân đạt 1.882 nghìn tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp dân doanh thành lập mới giai đoạn 2001 – 2005.

Tiền dễ, doanh nghiệp dễ thành lập. Vốn tự có thấp hầu hết dựa vào vốn vay ngân hàng để kinh doanh. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào” bầu sữa ngân hàng”. Chính vị ngọt của vốn giá rẻ khiến cho doanh nghiệp say sưa với những dự án kinh doanh mạo hiểm, thậm chí thiếu thực tế. Thị trường bất động sản chứng kiến nhiều dự án siêu sang, những căn hộ đẳng cấp mà theo chủ dự án để phục vụ tầng lớp đông người giàu có.

Tuy nhiên chỉ sau 1 năm tín dụng thắt chặt, mọi chuyện quay ngược 180 độ. Tính đến cuối năm 2011, ở Việt Nam có khoảng 622.977 doanh nghiệp đã có 79.014 công ty giải thể. Riêng năm 2011, cả nước có 77.548 doanh nghiệp thành lập mới thì 7.611 đơn vị sớm dừng hoạt động.

Tín dụng giá cao đã trở thành bộ lọc hữu hiệu đối với doanh nghiệp. Khoảng 10% lượng doanh nghiệp mới sớm phải đóng cửa không phải tỷ lệ quá cao trong nền kinh tế thị trường. Điều cần quan tâm là trong số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể có bao nhiêu doanh nghiệp đáng như vậy? Bao nhiêu doanh nghiệp cần hỗ trợ do có nền tảng tốt nhưng khó khăn thị trường đã đánh gục họ?

Như chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét siết tín dụng không phải để giết doanh nghiệp, mà là muốn doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhưng dường như số lượng doanh nghiệp chết nhiều hơn số đáng phải chết. Cần có chương trình, chính sách để làm doanh nghiệp khỏe mạnh thực sự. Để sau khi dừng trợ giúp các doanh nghiệp có thể tự đứng vững.

Doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả hơn


Tại kỳ họp Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết GDP cả nước quý I tăng 4% và dự kiến trong quý II sẽ tăng 4,5%. Trung bình nửa đầu năm 2012, GDP tăng khoảng 4,3%. Rõ ràng mặc dù tín dụng âm trong suốt 5 tháng qua nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương. Nếu so với 2 quý đầu 2010 có tăng trưởng tín dụng khoảng 10,5% ,GDP cũng chỉ tăng trưởng 6%.

Có 2 khả năng: doanh nghiệp có nguồn vốn khác ngoài ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động tốt hơn. Thị trường vốn đang khá khó khăn, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu thấp. Như vậy yếu tố sản xuất kinh doanh đang đóng vai trò chính thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp.

Hình 1: Đóng góp của các nhân tố vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010

Một thời gian dài tăng trưởng GDP dựa trên tăng quy mô cả nền kinh tế, còn các yếu tố năng suất lao động, công nghệ đóng góp không nhiều và giảm theo các năm.

Ví dụ trong lĩnh vực dệt thoi, một công nhân Việt Nam đứng 10 máy, hiệu suất là 80%, trong khi một công nhân Đài Loan đứng 30 – 40 máy, hiệu suất 90%. Năng suất lao động trong ngành dệt của Việt Nam chỉ bằng 90% của Trung Quốc, 85% của Thái Lan.

Thì nay chính bởi sự khó khăn từ tín dụng buộc các doanh nghiệp phải tăng trưởng theo “chiều dọc”, đầu tư nhiều hơn vào yếu tố công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất. Người lao động cũng phải chấp nhận thực tế là ít nhân lực hơn, làm việc nhiều hơn, nâng cao năng suất.

Như vậy cái mất trước mắt của tăng trưởng tín dụng thấp là sự ra đi của hàng chục ngàn doanh nghiệp, theo dự kiến có thể lên 50 ngàn DN trong năm 2012, nhưng rõ ràng đang thu về những “giá trị” dài hạn. Trước tiên là tư duy đầu tư kinh doanh của người chủ doanh nghiệp phải lâu dài, bền vững, đến cải cách làm tăng năng suất cho từng doanh nghiệp, và cả nền kinh tế.

(Theo TTVN)