Tôi chợt nhớ đến lời nhận xét Cố NSND Quý Dương về cậu con trai tài hoa của mình: "Chí Trung nó hơi khôn quá. Nhưng, bù lại, rất có tâm". Còn tôi chỉ nghĩ, cả cái khôn lẫn cái tâm của Chí Trung đã giúp kế hoạch của tôi không bị phá sản.
LTS: Như NS Đức Khuê đã từng nói, 4 đêm diễn vào trung tuần tháng 8.2011 tại Vùng 4 Hai quân cũng là những đêm diễn đầu tiên các nghệ sĩ Nhà hát kịch Tuổi trẻ trước những người lính biển. Một sĩ quan hải quân thậm chí đã thốt lên suốt 15 năm nay, họ mới được cười một trận ra trò như vậy, cười suốt từ đầu tới cuối buổi biểu diễn.
Nhưng để có 4 đêm diễn tưởng như rất đơn giản như vậy, các nhà tổ chức đã phải vò tai, bóp trán không biết bao nhiêu lần. Thậm chí, có những lúc họ nghĩ phải thất hứa.
Tuần Việt Nam xin được giới thiệu tiếp loạt ghi chép của Giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng, người đã đưa ra lời hứa mang "Đời cười" vào Cam Ranh cách đó 4 tháng, về những câu chuyện hậu trường liên quan đến chuyến lưu diễn này.
Đinh Tiến Dũng tái xuất lần này trên Tuần Việt Nam vẫn hóm hỉnh, nghịch ngợm, nhưng cũng rất suy tư, như trong loạt ghi chép Trường Sa cách đây một tháng. Tuy nhiên, người đàn ông rất thích khám phá cuộc đời và chính bản thân mình này, trong cuộc dấn thân mới vào lĩnh vực báo chí cách mạng Việt Nam, sau thành công rực rỡ trong lĩnh vực giải trí, đã cố mang thêm vào một nét mới.
Trong những ghi chép của mình, anh đã học cách "luộc" những mẩu chuyện nhỏ của một nhà báo của Tuần Việt Nam, người chuyên đi "luộc" những câu chuyện của người khác. Bù lại, anh dành riêng cho nhà báo này một bài trò chuyện độc quyền về những điều anh ấp ủ nhiều năm nay.
Bài trò chuyện này sẽ được đăng tải trên Tuần Việt Nam vào Thứ Năm tới với tiêu đề: "Hỏi thẳng Giáo sư Xoay".
Sau bữa tiệc chia tay Cam Ranh hồi giữa tháng 4, tôi cũng không biết mình lên được máy bay trở về Sài Gòn như thế nào. Trong đầu chỉ láng máng một ý nghĩ duy nhất là mình phải mang "Đời Cười" đến phục vụ anh em ở Vùng 4 Hải Quân.Trong bữa tiệc, tôi "bị" cụng ly và "dzô" một trăm phần trăm đến "tơi bời khói lửa", đến "nát một đời hoa", bởi chuyện nhận đồng hương đồng khói, đồng bào đồng chí. Và nhất là lý do "không uống một ly để cảm ơn giáo sư không được".
"Túi khôn" và "chim mồi"
Sau chuyến hành trình ra Trường Sa, chúng tôi trở về cuộc sống thường nhật với muôn vàn nỗi lo cơm áo gạo tiền. Riêng tôi, trong đầu vẫn bị ám ảnh bởi lời hứa với anh em vùng 4 Hải Quân. Diễn lúc nào? Tiền ở đâu? Những ai đi?...
Quá nhiều điều kiện cần và đủ để có một chuyến lưu diễn, và dường như đa phần nằm ngoài tầm với của tôi. Có những lúc tôi tưởng đã phải thất hứa.
Thế rồi, vào một ngày cuối tháng 7, có "một nguồn tin đáng tin cậy" cho biết, đúng ngày 10.8, lính đảo sẽ về bờ, sau gần 2 năm canh đảo. Họ sẽ về quê nghỉ phép từ ngày 18.8.
Thời cơ đã chín muồi, tôi linh cảm. Không còn chần chờ gì nữa, chuyến lưu diễn phải được thực hiện trong khoảng một tuần lễ đó, tôi quyết định.
|
Ảnh: Huỳnh Phan |
Nguời đầu tiên tôi tìm đến là NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn Kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ. Ông bác, như thường lệ, nhiệt liệt ủng hộ luôn. Chui vào góc một quán nhỏ, anh em chúng tôi hạch toán các khoản chi phí để có thể đưa gần 20 người, cùng các thiết bị âm thanh, ánh sáng và đạo cụ sân khấu, vào Cam Ranh.
Trước khi chia tay, Chí Trung hỏi tôi lo được bao nhiêu tiền. Tôi gãi đầu gãi tai bảo chỉ lo được khoảng một nửa phần dự toán thôi.
Người đàn ông với dáng vẻ phồn thực và nụ cười thường trực trên môi bỗng nhăn trán lại, vẻ mặt trở nên đăm chiêu lạ thường. Tôi cứ ngồi im thin thít, thậm chí không dám thở nữa...
Thế rồi, Chí Trung bỗng bật cười, nhìn vào bộ mặt như đưa đám của tôi, rồi nói: "Em đừng lo, vẫn làm được. Chúng ta vẫn làm 4 đêm cho Vùng 4 như bình thường, sau đó sẽ kéo cả đoàn ra đánh quả ở Nha Trang và Vinpearl. Chỗ tiền lãi của 2 đêm này sẽ đủ bù chi phí cho cả chuyến đi".
Tôi thở phào nhẹ nhõm, dù biết công việc của anh em chúng tôi sẽ nặng nề gấp bội. Nhưng liệu còn cách nào khác?
Theo phân công, tôi sẽ viết kịch bản hài về đời lính, còn Chí Trung và anh em Đoàn kịch 2 gấp rút chuẩn bị cho 4 đêm diễn ở Vùng 4, và thêm 2 đêm diễn bán vé để "lấy thu bù chi". Rồi còn phải bay vào Nha Trang trước đó cả tuần để làm truyền thông, rồi in vé, bán vé.
Lúc đó, tôi chợt nhớ đến lời nhận xét Cố NSND Quý Dương về cậu con trai tài hoa của mình: "Chí Trung nó hơi khôn quá. Nhưng, bù lại, rất có tâm".
Còn tôi chỉ nghĩ, cả cái khôn lẫn cái tâm của Chí Trung đã giúp kế hoạch của tôi không bị phá sản.
Chốt lịch diễn xong, tôi thông báo rộng rãi cho anh chị em trong nhóm đi Trường Sa, và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Người xin đi làm khuân vác, chạy mic. Có những người không đi được thì xin góp tiền.
Cộng với số tiền quỹ còn lại của đoàn, tôi nhẩm tính thấy vẫn còn thiếu quá nhiều so với cái khoản "một nửa" mà tôi đã trót "nói cứng"với anh Chí Trung. Không sao, "thằng em" đã học lỏm được "cái khôn" của "ông anh" rồi, tôi tự tin. Tức là là phải "trấn lột" mấy ông anh "đại gia" trong đoàn Trường Sa.
“Nâng niu chim này để bóp chim kia/ Nôn ra, chim ơi, nôn vài chục triệu/ Cam Ranh, chim ơi, đang chờ hội ngộ/ Cam Ranh, chim ơi, một cõi đi về…”, tôi buột lên mấy câu hát trong trạng thái phấn kích tột cùng, mà cũng chẳng để ý giai điệu này là của bài hát nào.
Tôi nhờ "Lão Đại úy" làm "chim mồi". Lão đã triệu tập một bữa "working dinner", và tôi trình bày "dự án" xong là "bổ đầu" phần đóng góp cho từng đại gia, trên cơ sở suất đóng mấy ngàn đô trước đó của "Lão Đại uý". Trông ánh mắt nheo nheo của lão nhìn xoáy vào từng người, ai dám từ chối chứ. Vậy là đủ tiền.Thủ tục biểu diễn trong Vùng 4 Hải Quân thì đã có bà chị Vân Hải trong TP Hồ Chí Minh lo xong với bên Hải Quân, sau khi gửi cả ký lô "tối hậu thư".
Ngày 6.8 tôi bay vào Nha Trang trước, tranh thủ "đánh quả" một show trong Vinpearl kiếm ít "xèng" lận lưng, lại tiết kiệm được tiền vé máy bay. Ngày 7.8, làm show ở Vinpearl dưới trời mưa tầm tã, lần đầu tiên trong đời được dẫn chương trình dưới mưa.
Ngày 8.8, anh Chí Trung mới bay vào. Hai anh em bắt taxi vào Vùng 4 để liên hệ trước. Mọi thứ diễn ra rất gọn ghẽ, anh em quen nhau cả mà. Đến chiều, thả mình lềnh bềnh trên mặt biển Vinpearl, hai anh em chúng tôi bàn lần cuối về kịch bản chương trình.Mọi chuyện tưởng đã xong. Nhưng không hẳn vậy...
Chiếc sân vận động dự kiến sẽ tổ chức biểu diễn buổi tối đầu tiên tại Lữ 101 khá lầy lội, sau một cơn mưa lớn sáng sớm. Mấy chàng chiến sỹ đang hì hục kéo từng xe đất về lấp lên những chỗ lầy lội. Vẻ háo hức chờ đợi đêm diễn hiện lên trên những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, và cả trong câu chuyện rôm rả, của họ.
Tôi thong thả đi kiểm nghiệm sân bãi. Bước đến đâu đất dưới chân lún xuống đến đó. Nhìn những đám mây vẫn còn lơ lửng trên bầu trời, tôi lo tối nay nhiều khả năng sẽ mưa tiếp. Phương án diễn trong hội trường ngay lập tức được đề xuất để dự phòng.
Vậy là, trong trường hợp xấu nhất, chỉ có 500 sĩ quan chiến sĩ, một phần ba so với số đối tượng chúng tôi cần phục vụ, được thưởng thức đêm diễn. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, tôi tự an ủi.
Tôi trở về Nhà khách Vùng 4 Hải Quân. Sau 4 tháng không gặp nhau, nên gặp nhau mừng đến mức quên béng cả việc nhận phòng. Chúng tôi cứ ngồi ngay ở sảnh nhà khách, nói chuyện, rồi tranh thủ tổng duyệt, đến tận trưa.
Bữa trưa chúng tôi ăn ở nhà khách luôn, với những món ăn "rất lính" mà chúng tôi đã ăn quá quen trong chuyến đi Trường Sa. Hay nói một cách văn hoa, "ăn rau lại nhớ tới người".
Nhưng không phải món gì cũng cũ. Đoàn chúng tôi lần này có sự góp mặt của một vài khuôn mặt mới, trong đó có con trai Anh hùng - Liệt sĩ Vũ Phi Trừ, và một ông phóng viên già. Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh. Nhất là sau khi đã đi hết hai chai vodka Nga, loại rượu "hai lần chưng hai cần cất", như giới thiệu của "Lão Đại uý" - chủ nhân của chúng.
Nhà khách Hải quân chỉ có vài phòng có điều hòa nhiệt độ thì đã dành cho các chuyên gia quân sự nước ngoài. Chúng tôi ở cùng nhau trên tầng cao nhất, mỗi phòng hai giường, đệm mềm và ấm, với chiếc quạt trần là phương tiện làm mát duy nhất, giữa cái lò lửa Cam Ranh.
Tôi và "lão đại úy" ở cùng phòng với nhau. Lão già ham vui nên bỏ không một phòng sang trọng ở Khách sạn 5 sao ngoài Nha Trang để vào đây ở nhà khách giá 75 ngàn đồng/người/ngày với chúng tôi. Chính vì vậy, tôi đã nhường cho lão cái giường nằm thẳng dưới quạt trần.
Kết quả là đêm nào lão cũng ho sù sụ, dù trùm chăn kín đầu. Còn tôi, tôi phải ra ngoài ban công ngồi mơ mộng, ngồi đến nửa đêm, khi không khí đã dịu đi, mới vào chợp mắt được.
Đêm diễn đầu tiên
Bữa cơm chiều diễn ra nhanh chóng. Nhưng trời thì mưa cứ mưa mãi không thôi...
Phương án diễn trong Hội trường đã được quyết định.
Tôi chẳng muốn ăn vì vừa nhận một cuộc điện thoại buồn trĩu cả lòng. Khi xe chở chúng tôi đến trước cổng Lữ đoàn 101, từng tốp lính hải quân quần áo chỉnh tề đội mưa kéo vào Hội trường. Trên vai nhiều chiến sĩ có cả chiếc ghế nhựa.
Đi vào phía cánh gà, tôi thấy đoàn nghệ sỹ đã tề tựu đầy đủ. Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Khuê, Kim Oanh, Hiệp "gà", Chí Huy, Quang Ánh... đang tất tả chuẩn bị trang phục đạo cụ. Đội văn nghệ của Lữ 101 trong bộ quân phục chỉnh tề đang đợi sau cánh gà.
Tôi bắt tay chào hỏi anh em, đoạn đứng ra phía ngoài hè để những cơn gió táp mưa vào mặt cho tỉnh. "Lão Đại úy" dường như biết tôi có chuyện riêng tư, liền ra vỗ vai hỏi: "Mày làm sao mà buồn như chó mất con vậy?" Tôi kể sơ qua cho anh nghe.
Chương trình sắp bắt đầu, mà tôi là MC. Nhìn ánh mắt của "Lão Đại uý", tôi biết anh lo lắm. Đến đâu hay đến đó, tôi tự nhủ."Lão đại úy", chạy đi từ lúc nào không hay. hớt hải chạy về với 1 chai rượu trên tay.
"Uống đi", anh nói.
Tôi ngửa cổ tu liền mấy ngụm. Rượu cay xé, và mặt tôi nóng bừng lên.
Tôi thở hắt ra, cầm lấy micro, và bước ra sân khấu cúi chào khán giả. Tiếng vỗ tay của hơn 500 chiến sỹ chen nhau trong hội trường nhỏ rền vang át cả tiếng mưa ngoài trời.
Các cô gái trong đoàn doanh nghiệp chúng tôi với những trang phục lộng lẫy nhất bước ra sân khấu, với một liên khúc sôi động. Họ vừa hát hò vừa nhảy múa tưng bừng. Phần khuấy động tinh thần anh em đã phát huy tác dụng. Anh em khí thế hơn hẳn.
Các tiểu phẩm hài của chúng tôi diễn ra ngon lành. Những tiếng hò reo, những tràng pháo tay vang lên liên tục trong từng tiểu phẩm. Diễn viên nào, khi đi vào sau cánh gà, cũng vừa gạt mồ hôi vừa nói: "Không khí này diễn sướng quá đi mất."
Đêm hôm đó, tôi cũng ôm guitar hát tặng anh em bài hát "Tình đảo xa", mà tôi đã sáng tác ngay tại đảo Trường Sa Lớn. Trên sân khấu, tôi cũng cảm nhận thấy một khoẳng lặng khác thường.
Một đêm diễn thành công!
Sau buổi biểu diễn, phía bên Lữ 101 nằng nặc ra giữ đoàn lại... giao lưu cháo gà. Ăn miếng thịt gà ta vừa chắc, vừa ngọt, NS Ngọc Huyền, vợ của trưởng đoàn Chí Trung, buông một câu: "Gà đi bộ..., à mà không, gà đi bộ trên bãi biển."
Mọi người cười ồ lên. Còn tôi chợt nhận thấy dân nghệ thuật, dù có làm nội trợ, cũng làm nội trợ theo cách rất nghệ thuật, rất lãng mạn.
Tạm biệt Lữ 101, đoàn của anh Chí Trung về khách sạn ở Nha Trang "cấm trại" ngủ sớm. Sáng hôm sau họ còn phải chia nhau đi bán vé cho đêm diễn tại thành phố biển này.
Đoàn chúng tôi cũng nhằm thẳng hướng Nha Trang, như họ. Nhưng điểm đến là Sailing Club (Câu lạc bộ Thuỷ thủ), để "họp" rút kinh nghiệm.
Club này dành cho khách nước ngoài là chủ yếu, mấy bạn trẻ trong đoàn thả mình trong tiếng nhạc, tôi cùng "Lão Đại úy" và "Lão Nhà báo" chọn một góc xa xa ngồi nhâm nhi cocktail, vừa nghe nhạc vừa thong thả bàn luận chuyện nọ chuyện kia. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được không khí sinh hoạt của tổ hưu là như thế nào.
Quá nửa đêm, cả nhóm lại trèo lên xe về Cam Ranh ngủ. Tôi quá mệt, ngủ thiếp luôn trên xe. Mặc kệ cả nhóm lại tiếp tục bật nhạc dance để nhảy múa trên xe.
Đinh Tiến Dũng
Kỳ 2: Biển xanh, cát trắng... trăng vàng