Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng 20/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày trước Quốc hội Tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Với việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng (bao gồm các tổ chức tín dụng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), công ty mua, bán nợ, các tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm sẽ có thêm nhiều quyền hạn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nợ xấu của hệ thống TCTD vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng, là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng. 

Việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Điều này giúp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đang cản trở tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, qua đó góp phần nâng cao khả năng xoay vòng vốn và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Hồng.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quốc hội

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dự thảo bổ sung quy định bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo giấy tờ, hồ sơ pháp lý cho TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác và quy định của pháp luật.

Nếu bên bảo đảm hoặc người giữ tài sản không bàn giao tài sản theo quy định, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức mua bán nợ được quyền thu giữ tài sản đó.

Chậm nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ. 

Việc công khai thông tin được thực hiện dưới các hình thức: Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã nơi có tài sản bảo đảm; thông báo cho bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có). 

UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ, đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

Trong quá trình thu giữ, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Đối với quy định về kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, việc kê biên sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được ký kết và phát sinh hiệu lực sau thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Dự thảo cũng bổ sung quy định, sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN.

Theo đó, NHNN quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với TCTD. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt này do NHNN quy định, với mức lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm.