- Cần có công trình nghiên cứu xã hội học, thống kê số liệu liên quan về TNGT để cảnh báo cho người dân?

Về Sài Gòn dịp Tết 2013, tôi nghe tâm sự rất tâm đắc của bác tài taxi về việc cảnh sát cơ động thường xuyên kiểm tra những thanh thiếu niên tham gia giao thông trên đường phố sau 23 giờ mỗi đêm.

Việc làm này rất hiệu quả tốt đến tình hình an ninh trật tự của thành phố, vì theo một nhận định chung là “người đàng hoàng rất ít khi còn ở ngoài đường sau 23 giờ, trừ khi có việc khẩn cấp hay vì mưu sinh cho cuộc sống”.

Hiện trường vụ tai nạn làm 7 người thiệt mạng tại Bảo Lộc, Lâm Đồng vào ngày mồng 7 Tết - (Ảnh: Tuổi trẻ)

Những gia đình tử tế ở thành phố đều đã dặn dò con cái, người thân phải về nhà trước 23 giờ nếu không muốn gặp rắc rối.

Tôi nghĩ, chắc chắn các nhà quản lý đã có sự kiểm tra, thống kê rất khoa học nên mới có biện pháp hữu hiệu như trên.

Trở lại với vấn đề TNGT thường xuyên xảy ra rất nghiêm trọng ở nước ta trong nhiều năm qua, làm hàng vạn người chết, hàng vạn người bị thương, gây hậu quả lâu dài cả về vật chất và tinh thần cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, uy tín của quốc gia…

Thông qua diễn đàn này, tôi kính đề nghị các nhà quản lý nước ta sớm có công trình nghiên cứu khoa học về xã hội học, đồng thời thống kê chính xác những số liệu liên quan về TNGT ở nước ta trong những năm gần đây (khoảng 02 năm làm và công bố 01 lần), từ đó có cơ sở khoa học cảnh báo người dân khi tham gia giao thông.

Chiếc xe tải nát bét sau vụ tai nạn làm 3 người chết, 6 người bị thương tại dốc Trà Kê (Sơn Hòa, Phú Yên) ngày 19/2 - (Ảnh: PL TP.HCM)

Tôi xin mạn phép gợi ý những số liệu liên quan đến TNGT cần cảnh báo rộng rãi đến người dân để mỗi người dân chúng ta có thể chủ động phòng tránh theo xác suất rủi ro đã được cảnh báo, trở thành “người tham gia giao thông thông thái” (giống như người tiêu dùng thông thái trong an toàn vệ sinh thực phẩm):

- Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhiều nhất

- Đối tượng xã hội, độ tuổi dễ bị hoặc gây TNGT nhiều nhất;

- Lý do đi ra đường dễ bị hoặc gây TNGT nhiều nhất (đang buồn chán, lo lắng cho công việc…)

- Hoàn cảnh, trạng thái tâm lý khi tham gia giao thông dễ bị tai nạn hoặc gây TNGT nhiều nhất...

- Loại phương tiện tham gia dễ bị hoặc gây TNGT nhiều nhất

- Loại phương tiện sản xuất cũ hay mới thì dễ bị hoặc gây TNGT nhiều nhất.

- Loại phương tiện gây TNGT nghiêm trọng nhiều nhất (ví dụ như xe ben, xe bus, xe khách đường dài… để dân chủ động phòng tránh khi thấy các loại xe này).

- Thời gian (khoảng giờ, tháng, mùa…) dễ bị TNGT nhiều nhất (ví dụ như giờ các bợm nhậu thường ra về và lái xe sau khi ăn nhậu…);

- Những đoạn đường xảy ra TNGT nhiều nhất.

- Những địa phương có số vụ TNGT nhiều nhất.

Khi những số liệu liên quan đến TNGT như trên được cảnh báo rộng rãi đến người dân thì mỗi gia đình sẽ có cơ sở thuyết phục để có sự kiểm tra, nhắc nhở các thành viên trong gia đình khi tham gia giao thông.

Thật sự cần thiết thì mới phải ra đường, còn nếu không thật sự cần thiết thì sẽ phải cân nhắc, thận trọng đối chiếu với những cảnh báo nêu trên rồi mới quyết định tham gia giao thông vào thời điểm nào, bằng phương tiện gì… để tăng xác suất an toàn cho bản thân.

Độc giả Trần Cao Luận