Hội thảo sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Trường Đại học Thành phố Hồng Kông, đại diện các trường đại học trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các cơ quan và ban ngành tại địa phương. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và CNTT.

Ông Trần Thế Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn cho biết, Hội thảo ICIST 2017 là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn. Đây là dịp gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa cán bộ giảng viên và các nhà khoa học của các trường, các tổ chức nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khoa học và CNTT ở khu vực. Là hoạt động thường niên được bảo trợ về kỹ thuật bởi Hiệp hội Kỹ thuật Điện - Điện tử của Hoa Kỳ (IEEE), Hội thảo ICIST 2017 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng cao.

Nội dung của Hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Kỹ thuật và khoa học máy tính (mạng máy tính, thị giác máy tính, nhân dạng mẫu, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…); Điều khiển và tự động hóa (hệ thống tự động, điều khiển thông minh, phát hiện lỗi và nhận dạng…); Xử lý tín hiệu số và viễn thông (xử lý tín hiệu, xử lý và mã hóa tiếng nói, phân tích quang phổ bậc cao…); Tin sinh học và kỹ thuật y sinh (Phân tích dữ liệu microarray, công nghệ giao tiếp não người - máy tính (BCI), hệ hỗ trợ ra quyết định và chẩn đoán lâm sàn thông minh…).

Đến nay, Hội thảo ICIST 2017 đã có 125 bài báo khoa học từ 25 quốc gia nộp về cho Ban tổ chức, trong đó có 84 bài báo chất lượng cao, 38 bài của các tác giả trong nước. Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn tham gia 5 bài với các chuyên đề về nghiên cứu dữ liệu lớn, truyền thông bằng đèn LED, an ninh mạng, nâng cao chất lượng cảm biến không dây…

Trong chương trình Hội thảo, ngoài những báo cáo theo chủ đề còn có nhiều bài tham luận của các chuyên gia quốc tế tại mỗi phiên làm việc về công nghiệp robot và ứng dụng tự động hóa, robot không gian, sản xuất thông minh, hệ thống thông minh trong y tế và ứng dụng trọng ô tô, điều khiển mô tô và điều khiển bằng cảm ứng di động…Tất cả các bài báo cáo của Hội thảo ICIST sẽ được công bố trên cơ sở dữ liệu của IEEE.

Đặc biệt, tham dự Hội thảo ICIST 2017 có 3 diễn giả chính là những giáo sư đầu ngành trên thế giới bao gồm: Giáo sư Gary G.Yen (Hoa Kỳ), Giáo sư Zongben Xu (Trung Quốc), Giáo sư Hong Yan (Hồng Kông). Các giáo sư sẽ trình bày về các vấn đề mang tính thời sự của ngành CNTT như: Thuật toán tiến hóa đa mục tiêu - Hiện hình hóa và ra quyết định; Dữ liệu lớn: thách thức và thực tiễn; Học không giám sát dựa trên tổ hợp phân cụm.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới và khu vực với nhiều nội dung liên quan đến dữ liệu lớn, xử lý dữ liệu, xu hướng  kết nối IOT (Internet of Thing), các hệ thống thông minh….chắc chắn sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu, hoạch định giải pháp nghiên cứu để xây dựng các chính sách nhằm đẩy mạnh việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam trong thời gian sắp đến, ông Trần Thế Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo ICIST được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) vào năm 2011. Qua 6 lần tổ chức, Hội thảo ICIST đã trở thành một diễn đàn quốc tế cấp cao thường niên dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý để gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc đáo và các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực khoa học và CNTT. ICIST 2017 tại Đà Nẵng sẽ được chủ trì bởi Giáo sư Sam Kwong - chuyên gia về giải thuật tiến hóa, nhận dạng mẫu và học máy của trường Đại học Hong Kong cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia có uy tín đến từ Hồng Kông, Macau, Ý và Hoa Kỳ.