Trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, khi được hỏi nếu là một sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp vào năm 2025, ông sẽ theo đuổi ngành gì, Jensen Huang trả lời mình sẽ chọn các ngành khoa học vật lý, thay vì khoa học phần mềm.

Huang tiết lộ thực ra ông đã tốt nghiệp đại học ở tuổi 20 và nếu là “Jensen trẻ” hôm nay, ông sẽ nghiêng về các lĩnh vực nghiên cứu như vật lý, hóa học, thiên văn học và khoa học Trái Đất – những lĩnh vực thuộc nhánh “khoa học vật lý” chuyên nghiên cứu thế giới vô sinh.

Jensen Huang nhận bằng kỹ sư điện tại Đại học Bang Oregon năm 1984 và bằng thạc sĩ kỹ thuật điện Đại học Stanford năm 1992.

Một năm sau đó, ông cùng hai đồng nghiệp sáng lập Nvidia tại quán ăn Denny’s ở California. Hơn 30 năm sau, công ty do ông điều hành đã vượt Apple và Microsoft để trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới, đạt mốc 4.000 tỷ USD vào tuần trước.

jensen huang bloomberg
CEO Nvidia trong chuyến công tác Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 17/7. Ảnh: Bloomberg

Tuy không nói rõ vì sao lại chọn khoa học vật lý nếu quay về tuổi 20, Huang gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng “AI vật lý” – làn sóng tiếp theo của trí tuệ nhân tạo.

Làn sóng AI mới: Từ nhận thức đến lý luận và vật lý

Tại diễn đàn The Hill & Valley Forum hồi tháng 4, CEO Nvidia giải thích AI đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bao gồm: AI nhận thức (Perception AI), bắt đầu nổi lên khoảng 12 năm trước với sự kiện mô hình AlexNet đánh dấu đột phá trong nhận dạng hình ảnh; AI tạo sinh (Generative AI), là giai đoạn hiện nay, nơi AI có thể hiểu và tạo ra nội dung như văn bản, hình ảnh, ngôn ngữ và lập trình; AI lý luận (Reasoning AI), AI có khả năng suy luận, giải quyết các vấn đề chưa từng gặp – nền tảng cho các "robot số" hay "AI tác nhân" (agentic AI) đang được Microsoft, Salesforce và nhiều công ty khác phát triển.

Nhưng làn sóng tiếp theo, theo ông, là AI vật lý (Physical AI) – nơi AI có khả năng hiểu các quy luật vật lý như lực ma sát, quán tính, nguyên nhân – hệ quả và các khái niệm như "định vị vật thể dù không nhìn thấy".

Làn sóng tiếp theo đòi hỏi chúng ta phải hiểu những thứ như định luật vật lý, ma sát, quán tính, nguyên nhân và kết quả. Jensen Huang, CEO Nvidia

Ứng dụng của AI vật lý rất thực tế: dự đoán quỹ đạo vật thể, điều khiển lực bóp trong tay robot, hay phát hiện người đi bộ bị che khuất sau xe. Khi công nghệ này được tích hợp vào các robot vật lý, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên robot hóa sản xuất.

“AI vật lý khi đưa vào robot sẽ tạo nên robot thật sự thông minh, và đó là điều cực kỳ quan trọng hiện nay khi chúng ta đang xây dựng hàng loạt nhà máy mới trên khắp nước Mỹ”, Huang nhận định.

Với tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu, ông cho rằng các robot thông minh sẽ là lực lượng lao động số của tương lai, giúp vận hành nhà máy, dây chuyền sản xuất và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác một cách hiệu quả và bền vững.

Thông điệp từ người đứng đầu Nvidia rất rõ ràng: Thế hệ sinh viên mới nếu muốn đón đầu xu hướng, hãy cân nhắc khoa học vật lý – nền tảng của thế hệ AI mới và chìa khóa mở ra tương lai của robot và công nghiệp toàn cầu.

(Theo CNBC)