
Không có gì lạ chuyện chị em đem ngoại hình của mình ra “thí nghiệm” mỗi lúc “có tâm trạng”, chẳng hạn như cắt tóc ngắn, uốn đầu xù, xăm lông mày... Nhưng gần đây, nhiều người còn dám làm những chuyện “khủng” hơn: phẫu thuật thẩm mỹ.
Đi độn mông cho… đỡ buồn
“Suốt mấy chục năm mang quả mông lép, bà ấy chẳng bao giờ lăn tăn. Thế mà vừa rồi chỉ vì buồn chán, bà ấy đến ngay mỹ viện, hóa ra nhờ ghét chồng mà lại có vòng ba hot”, Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội), nói về chị gái mình. Chị này 32 tuổi, vợ chồng lục đục lâu ngày dẫn đến ly thân, ông chồng xách valy vào TP HCM sau khi xin công ty vào làm trưởng đại diện trong đó. Anh vẫn gọi điện cho các con mỗi tuần, tiền nuôi con thì gửi vào tài khoản hằng tháng, nhưng tuyệt nhiên không có ý làm lành với vợ.
![]() |
Sau khi đã nhờ dao kéo để có vẻ ngoài hoàn mỹ nhất, họ không dừng lại được mà tiếp tục đòi lên bàn mổ, cho đến khi trở thành dị dạng |
Từ hồi phẫu thuật về, chị gái Linh đâm ra có hứng thú với chuyện ăn mặc, thời trang, từ đó cũng thích gặp gỡ, giao lưu với bạn bè hơn, tâm tính thay đổi hẳn, không cắm cảu, phiền muộn như trước.
Nâng ngực cho đời đỡ vô vị
Vòng một của Quỳnh Nga (26 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) tuy nhỏ nhắn nhưng trông dễ thương bởi phần cổ đầy, làn da trắng mịn. Đôi khi, cô cũng thoáng có ý nghĩ, nếu đi phẫu thuật cho gò bồng đảo to lên thì trông mình sẽ như thế nào, nhưng chưa bao giờ thực sự có ý định làm thế, một là vì sợ đau, hai là thấy không cần thiết.
Đùng một cái, Nga đến thẩm mỹ viện, biến mất khỏi mắt bạn bè một thời gian rồi “tái xuất” với chiếc váy rộng cổ khoe khuôn ngực đã nặng nề hẳn lên nhờ hai túi silicon. Bạn bè nhận ngay ra sự khác biệt, hỏi sao ngực đã đẹp rồi còn dao kéo, cô đáp: “Cho đỡ chán. Thấy đời vô vị quá nên muốn làm một cái gì đó cho nó sôi động lên. Cảm giác sợ sợ, hồi hộp khi lên bàn mổ, rồi khi chờ vết mổ lành, cũng vui đáo để”.
Cảm giác vô vị của Nga có lẽ xuất phát từ việc cô liên tục chuyển việc vì toàn gặp mâu thuẫn với đồng nghiệp. Thời gian trước khi đi nâng ngực, cô tạm thời không làm việc cho công ty nào.
Với những phẫu thuật “nhẹ nhàng” hơn như cắt mí, nâng mũi…, chuyện “đi thẩm mỹ” để giải quyết vấn đề tâm trạng càng phổ biến. Mỹ Hằng, 34 tuổi, làm việc ở một cơ quan truyền thông, cũng vừa đến mỹ viện để biến đôi mắt một mí thành hai mí. Ai hỏi lý do thì cô cười cười: “Thầy bói bảo sửa diện tướng một chút cho dễ lấy chồng”. Nhưng với bạn thân, Hằng tâm sự, cô không tin chuyện đi sửa mắt sẽ giúp mình đỡ “cao số”, nhưng cuộc sống độc thân trầm lặng, buồn chán nên nhiều khi cô muốn có một sự thay đổi nào đó, và đây cũng là một cách thay đổi.
Coi chừng nghiện
Với những phụ nữ như Quỳnh Nga hay chị gái của Linh, chuyện “dao kéo” đã đem lại lợi ích nhân đôi: vừa đẹp hơn vừa đỡ buồn chán. Tuy nhiên, tình hình sẽ ngược lại, tức là tai hại nhân đôi nếu ca phẫu thuật không thành công. Vì vậy, lời khuyên cho mọi phụ nữ khi có ý định “dao kéo” vẫn là: chọn cơ sở an toàn, bác sĩ tay nghề cao, tư vấn kỹ lưỡng (bởi nếu không có tai biến nhưng sự thay đổi không hợp với bạn thì cũng khó có thể coi là thành công).
Mẹ của cô gái tên là Mỹ Hằng kể trên thì có một nỗi lo khác. Gần đây bạn bè Hằng đến nhà đều bị bà nhờ vả: “Cháu khuyên nó một câu giúp bác, bảo nó xinh lắm rồi không phải mổ xẻ gì nữa đâu, kẻo lại nghiện mổ như cái cô gì trên mạng, từ mỹ nhân thành quỷ thì khổ”. Số là Hằng sau thành công của ca cắt mí mắt đã hào hứng đến gặp lại bác sĩ để nhờ nâng và làm gọn mũi. Cái mũi cao và thon làm cho gương mặt cô thanh thoát hẳn lên. Cô đang tính sẽ đi chỉnh xương chân mày cho cao lên một chút, hoặc tạo lúm đồng tiền vì cho rằng nó hợp với khuôn mặt bầu bĩnh của mình.
Nỗi lo của mẹ Hằng không phải là thái quá vì thực tế đã có rất nhiều người thân tàn ma dại vì nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có các ngôi sao nổi tiếng. Sau khi đã nhờ dao kéo để có vẻ ngoài hoàn mỹ nhất, họ không dừng lại được mà tiếp tục đòi lên bàn mổ, cho đến khi trở thành dị dạng.
Theo Đất Việt