Tốt nghiệp THPT với học lực loại giỏi nhưng chàng trai quê Từ Sơn- Bắc Ninh lại chọn học nghề, mở xưởng để lập nghiệp. Anh trở thành giám đốc thành đạt- “vươn ra biển lớn” cũng từ suy nghĩ và ý chí khác người ấy.
Khác người
Ở Châu Khê, Nguyễn Văn Công được nhiều người biết đến với cách lập nghiệp khá lạ lùng của anh. Tốt nghiệp THPT với học lực loại giỏi nhưng Công không theo con đường học hành thi cử, anh lập nghiệp bằng việc học nghề, mở xưởng. Làng Châu Khê ngày ấy có nghề truyền thống sắt thép rất phát triển, với hàng nghìn hộ tham gia sản xuất. Thế nhưng Công không chọn nghề của làng, anh theo học nghề gỗ mỹ nghệ.
Quyết định đó khiến những người trong gia đình ngạc nhiên. “Mọi người nói tôi lạ lùng, nhưng tôi thấy nghề gỗ mỹ nghệ lúc đó rất có tương lai. Thu nhập của người dân ngày một cao, lúc đó người ta sẽ quan tâm nhiều đến việc ở thế nào. Nhà sẽ được xây to hơn, đẹp hơn và đương nhiên không thể thiếu nội thất. Đó chính là thời của đồ gỗ. Và lúc đó tôi thật may mắn, mọi người trong gia đình đều ủng hộ”, Công chia sẻ.
![]() |
Nguyễn Văn Công được ông Susilo Bambang Yuchoyono, Tổng thống Indonesia hỏi
thăm trong dịp Công ty TNHH Trường Hưng sang giới thiệu sản phẩm tại nước này.
(Ảnh:Tiền Phong) |
Nghĩ là làm, Công khăn gói khắp các nơi sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ để học nghề, hỏi
kinh nghiệm. Sản phẩm anh quan tâm học hỏi nhất lúc đó là sập gụ, tủ chè, bàn
thờ mỹ nghệ, tủ rượu, giường ngủ mỹ nghệ… Sau thời gian học việc, tích luỹ kinh
nghiệm, xây dựng các mối quan hệ làm ăn, Công về quê mở xưởng.
Đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất của Công. Đầu tiên là thiếu vốn và chưa có
kinh nghiệm quản lý. Toàn bộ số vốn ban đầu khi mở xưởng anh phải vay mượn từ
người thân, bạn bè. Gian nan hơn cả là việc tìm đầu ra vì thị trường đồ gỗ mỹ
nghệ lúc đó hầu như đã bị các làng đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng chiếm lĩnh.
Không nản lòng, Công tìm được giải pháp gia công cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ
nghệ khác mà anh quen biết khi học việc. Chỉ một thời gian ngắn, xưởng sản xuất
của Công đã dần có chỗ đứng, sản xuất dần đi vào ổn định tuy chỉ là một cơ sở
sản xuất nhỏ.
“Nếu không mở Công ty thì không thể sản xuất lớn được, sản phẩm của mình cũng sẽ
mãi mãi không có tên, chỉ có thể đi làm gia công cho những doanh nghiệp khác”,
Công nói. Tuy nhiên, mở Công ty là vấn đề lớn. Để thực hiện kế hoạch này, Công
đăng ký học khóa quản trị kinh doanh. Đến năm 2007, Công ty TNHH Trường Hưng ra
đời. Từ năm đó, thương hiệu gỗ mỹ nghệ Trường Hưng đã dần được nhiều khách hàng
biết đến.
Vươn ra biển lớn
Công xúc tiến đăng ký sở hữu trí tuệ các sản phẩm do Công ty của mình thiết kế,
sản xuất. Toàn bộ các sản phẩm mang thương hiệu Đồ gỗ mỹ nghệ Trường Hưng. Sau
đó, giám đốc làng bắt tay thực hiện luôn việc quảng bá thương hiệu Trường Hưng
trên Internet.
Từ doanh thu 5 tỷ đồng năm 2007, đến hết năm 2009 doanh thu của Công ty đã lên
hơn 30 tỷ đồng, năm 2010 là hơn 100 tỷ đồng. Hàng năm doanh nghiệp của Công đã
giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3 - 5
triệu đồng/người.
Năm 2009, trang web giới thiệu về các sản phẩm của công ty đã ra đời. Website
doanh nghiệp của Công được thiết kế với hai ngôn ngữ Việt và Anh để tạo thuận
lợi cho khách hàng trong nước và quốc tế. Tại đây, toàn bộ các sản phẩm được
trưng bày bằng hình ảnh chi tiết, giá cả cụ thể cũng như việc thanh toán, vận
chuyển, đặc biệt là các dịch vụ kèm theo như tư vấn bán hàng, tư vấn thiết kế
nội thất.
Cũng thời gian này, ngoài những mặt hàng gỗ mỹ nghệ theo mẫu mã truyền thống,
Công sản xuất thêm mặt hàng đồ gỗ nội thất hiện đại như ghế sofa, bộ tủ bếp, đồ
gỗ phòng khách, văn phòng, đồ gỗ phòng karaoke…
Đồng thời Công cũng trực tiếp mang sản phẩm của Công ty mình giới thiệu tại các
hội chợ quốc tế tổ chức ở thị trường ngoài nước như Hồng Kông, Trung Quốc và
Asean... Năm 2010, Công xây dựng gian trưng bày sản phẩm hơn 6.000 m2 tại Móng
Cái (Quảng Ninh) nhằm quảng bá và xuất hàng sang Trung Quốc.
Theo Tiền phong