
Mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và việc sử dụng mạng xã hội từ lâu đã được xác lập. Nghiên cứu của Riehm K.E. et al. trên tạp chí JAMA Pediatrics, năm 2019, cho thấy trẻ em (10–14 tuổi) sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ/ngày có nguy cơ cao hơn về các vấn đề tâm lý, bao gồm trầm cảm và lo âu, so với những trẻ sử dụng ít hơn.

Một nghiên cứu khác của Coyne S.M. et al. (2020), đăng trên Computers in Human Behavior, xác nhận rằng mạng xã hội có liên quan đến giảm chất lượng giấc ngủ và tăng cảm giác cô đơn, cả hai đều là yếu tố nguy cơ của trầm cảm ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tác động này không đồng đều: trẻ sử dụng mạng xã hội để kết nối tích cực (nhắn tin với bạn bè) ít bị ảnh hưởng hơn so với trẻ lướt thụ động.
Nhưng nhiều chuyên gia từng cho rằng điều này có thể là do những đứa trẻ không hạnh phúc thường đến với mạng xã hội để tìm kiếm sự tiêu khiển và an ủi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây trên 12.000 trẻ em từ 9 đến 12 tuổi tại Mỹ dường như đã bác bỏ giả thuyết này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những đứa trẻ 9 và 10 tuổi bị trầm cảm không có khả năng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn so với những trẻ em hạnh phúc khi bước vào tuổi 13.
Tuy nhiên, những trẻ 12 và 13 tuổi dành nhiều thời gian nhất trên mạng xã hội lại có tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm cao nhất.
Trung bình, thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày tăng từ chỉ 7 phút lên hơn một giờ khi các em bước vào đầu tuổi teen.
Theo các nhà khoa học từ Đại học California San Francisco, điều này cho thấy “mạng xã hội có thể góp phần vào sự phát triển các triệu chứng trầm cảm”.
Tiến sĩ Jason Nagata, chuyên gia Nhi khoa tại Đại học California San Francisco và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các nghiên cứu trước đây cho thấy bắt nạt trên mạng và thiếu ngủ có thể là hai nguyên nhân tiềm ẩn gây ra vấn đề này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open cũng trích dẫn các công trình trước đó cho thấy trẻ từ 11 đến 12 tuổi từng bị bắt nạt trên mạng có khả năng tự tử cao hơn gấp 2,5 lần trong vòng một năm so với những trẻ không bị quấy rối trực tuyến.
Các nhà nghiên cứu cho biết cha mẹ và trẻ em đang phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” liên quan đến mạng xã hội.
Bất chấp những bằng chứng ngày càng tăng về tác hại của nó, mạng xã hội vẫn là cách chính để trẻ kết nối và giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa.
Tiến sĩ Nagata nói: “Là một người cha của hai đứa trẻ nhỏ, tôi biết rằng việc đơn giản bảo trẻ ‘đừng dùng điện thoại nữa’ không thực sự hiệu quả".
Tuy nhiên, ông cho biết có những bước mà phụ huynh có thể thực hiện để giúp bảo vệ con cái của mình.
“Cha mẹ có thể làm gương bằng cách mở ra các cuộc trò chuyện cởi mở, không phán xét về việc trẻ dùng smartphone", ông nói. “Việc thiết lập thời gian không dùng thiết bị cho cả gia đình, như trong giờ ăn hoặc trước khi đi ngủ, có thể giúp xây dựng thói quen kỹ thuật số lành mạnh hơn cho tất cả mọi người, kể cả người lớn".
Tuy nhiên, một số chuyên gia tại Anh đã chỉ trích nghiên cứu này, cho rằng mối liên hệ giữa sử dụng mạng xã hội và trầm cảm mà nghiên cứu đưa ra là “yếu”.
Trong khi đó, Giáo sư Chris Ferguson, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Stetson ở Florida, cho biết không có lý do gì để cha mẹ hoảng sợ trước các phát hiện này.
“Chúng tôi không thấy nhiều bằng chứng rằng việc sử dụng mạng xã hội sớm có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần sau này", ông nói. “Các số liệu được công bố có mức độ ảnh hưởng nhỏ đến mức chúng có thể chỉ là nhiễu thống kê, chứ không phải là hiệu ứng thực sự".
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 11.876 trẻ em tham gia dự án nghiên cứu từ năm 2016 đến 2018 và theo dõi các em trong 3 năm.
Việc sử dụng mạng xã hội được tính toán dựa trên khảo sát hằng năm với các em, trong khi các triệu chứng trầm cảm được đánh giá thông qua phỏng vấn với phụ huynh hoặc người chăm sóc.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận một hạn chế của nghiên cứu là phụ thuộc vào việc trẻ trung thực về mức độ sử dụng mạng xã hội - điều không thể đảm bảo tuyệt đối.
Họ cũng cho rằng nghiên cứu trong tương lai có thể làm rõ cách mạng xã hội gây ra trầm cảm, chẳng hạn như thời điểm trong ngày trẻ sử dụng hoặc thiết bị mà trẻ dùng có thể là yếu tố tác động.
Tại Anh, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần hành động quyết liệt hơn đối với nạn bắt nạt trên mạng, với các nhà vận động đề nghị chính phủ biến hành vi này thành một tội danh hình sự.
Một phụ huynh đang đấu tranh cho sự thay đổi là ông Mariano Janin. Con gái ông, Mia, 14 tuổi, đã tự tử vào năm 2021 sau khi bị bắt nạt bởi các nam sinh, cả trực tiếp lẫn trên mạng xã hội.
Hiện tại, bắt nạt trên mạng không phải là một tội danh cụ thể ở Anh, và nạn nhân phải dựa vào các điều luật hiện hành như luật bảo vệ chống quấy rối để khởi kiện.
(Tổng hợp)
