Ngày 1/2 Công ty Cổ phần Thủy sản Xuất nhập khẩu Côn Đảo tổ chức trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (COIMEX) tại Thành phố Vũng Tàu.

Trong suốt hơn 23 năm lãnh đạo Công ty Coimex, ông Lê Văn Kháng đã cùng cán bộ công nhân viên công ty xây dựng nên một công ty có kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 40 triệu USD. Không chỉ xây dựng thành công một Coimex với thương hiệu Surimi Việt Nam cạnh tranh, đứng đầu thị trường EU, ông còn góp phần làm thay đổi diện mạo của Côn Đảo ngày hôm nay.

Thương hiệu Coimex càng ngày càng lan tỏa mạnh và trở nên quen thuộc trên hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như EU, Hồng Kong, Úc, Nga, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Trung quốc , Singapore.

Chỉ từ một tờ quyết định và 2 chiếc tàu cá xin được của tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Chỉ một thời gian ngắn, ông Lê Văn Kháng đã xây dựng được một đội tàu có công suất lớn, không những có khả năng đánh bắt xa bờ mà còn là một hải đội mạnh với tên gọi “Hải đội Bến Đầm” vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo và cứu nạn trên biển. Trong suốt quá trình 10 năm hoạt động của mình, Hải đội Bến Đầm đã bắt giữ 47 phương tiện tàu thuyền, 474 thuyền viên nước ngoài xâm phạm lãnh hải và cứu nạn hàng trăm ngư dân trên biển.


Từ năm 1995, ông Lê Văn Kháng chủ trương mở rộng sang chế biến, xuất khẩu, nhằm khép kín từ khâu khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Ông đã quyết định đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng một nhà máy chế biến Surimi công suất gần 12.000 tấn/năm. Đơn vị không chỉ chủ động được sản xuất kinh doanh mà còn tạo thêm được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đặc biệt là xây dựng được thương hiệu Coimex trên trường quốc tế.

Coimex tiếp tục thành công ngay trong năm đầu tiến hành cổ phần hóa (tháng 6/2006). Với số vốn điều lệ là 36 tỉ đồng, sau gần 4 năm (2010), vốn điều lệ tăng lên 80 tỉ đồng. Sau 5 năm cổ phần hóa, Coimex đã hoàn 100% vốn đầu tư cho cổ đông và trừ hết khấu hao máy móc thiết bị, đồng thời có nguồn vốn để mở rộng tái đầu tư sản xuất.

Năm 2010, ông Lê Văn Kháng quyết định đưa Coimex hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, xây dựng thêm hai nhà máy chế biến tại Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng, công suất mỗi nhà máy 12.000 tấn sản phẩm/năm, nâng tổng năng lực sản xuất các sản phẩm thương hiệu Coimex lên 48.000 tấn/năm, Giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp liên tục tăng từ 15 triệu USD lên hơn 43 triệu USD/năm, trở thành đơn vị đứng thứ nhất cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang EU, và Liên bang Nga góp phần tiêu thụ 60.000 tấn nguyên liệu cho bà con ngư dân mỗi năm với giá cả hợp lý.


Năm 2012, nền kinh tế thế giới tiếp tục khủng hoảng, kinh tế Việt Nam tụt giảm sâu, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ do nhu cầu thị trường giảm sút; Nhiều biến động khác như tăng giá đầu vào, áp lực lãi suất đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp trong đó có Coimex. Mặc dù vậy, ông Lê Văn Kháng và các cộng sự của mình vẫn liên tục nỗ lực đưa Kim ngạch xuất khẩu đạt 43,2 triệu USD, bằng 108% kế hoạch năm, tăng 1,2 triệu USD so năm 2011.

Với những nỗ lực vượt khó và cống hiến 23 năm qua, ông Lê văn Kháng đã đưa Coimex trở thành một doanh nghiệp dẫu đầu mọi phong trào thi đua của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Những cống hiến của ông đã được Đảng nhà nước ghi nhận, và tôn vinh bằng phần thưởng cao quí đó là danh hiệu Anh hùng lao động.

Đức Liên