- Nhìn vào lợi thế của Indonesia trong vai trò chủ tịch ASEAN, mọi người nghĩ ngay đến các vấn đề mà nước đông dân nhất ASEAN nêu lên cho vai trò của mình.
Tranh chấp chủ quyền Biển Đông là một vấn đề trong hàng loạt các vấn đề khác (xung đột địa - chính trị Đông Bắc Á, căng thẳng liên Triều, dân chủ hoá Myanmar…) mà thuyền trưởng Indonesia cùng các thành viên ASEAN cần vượt qua để hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng 2015.

Một trong những kỳ vọng của nhiều nước ASEAN trong năm Indonesia làm chủ tịch là sớm thúc đẩy tiến trình DOC thành COC, tức là đẩy Tuyên bố về ứng xử, mà không có ràng buộc gì về pháp lý, lên thành bộ Quy tắc về ứng xử tại Biển Đông, có tuân thủ luật pháp quốc tế.

Kịch bản vẫn là “lợi ích cốt lõi”

Theo tờ Asahi (Nhật Bản) mới đây, cuộc họp cấp tổng vụ trưởng bộ Ngoại giao diễn ra cuối năm 2010 tại Côn Minh giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết. Đây là cuộc họp lần thứ năm về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một nửa số thành viên trong ASEAN. Trở ngại chính: trong khi đại diện ASEAN muốn thảo luận về việc xây dựng thành luật (Code of the Conducts) hướng dẫn áp dụng cụ thể, thì Trung Quốc chỉ nhắc lại tuyên bố cách đây chín năm về cách ứng xử.

Tờ Minh báo (Hong Kong) ngày 3.1 dẫn nguồn từ Asahi, quân đội Trung Quốc trên thực tế đã hoàn tất chiến thuật đánh chiếm các hòn đảo do nước khác nắm giữ tại Biển Đông và đang tập trung huấn luyện lực lượng theo các kịch bản đã chuẩn bị từ lâu.

Trong khi đó theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), việc báo chí Nhật tung “kế hoạch tác chiến ở Nam Hải” là nhằm chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, muốn đẩy Trung Quốc ra để độc chiếm ASEAN. Mục đích của việc này là muốn lấy ASEAN làm căn cứ nhằm xây dựng vòng cung địa – chính trị trên biển. Theo quan điểm của Trung Quốc, khi đưa tư liệu nói trên ra công khai, Nhật đã xem nhẹ quan hệ trên thực tế Trung Quốc – ASEAN. Các nước có đủ lý trí – bài trên Thời báo hoàn cầu khẳng định – để không tin vào hành động chia rẽ của báo chí Nhật.

 
 
Hải quân Mỹ và Indonesia tập trận chung năm 2010. Ảnh: TL

Từ tháng 7.2010, Trung Quốc đã cho ba hạm đội Bắc – Đông – Nam Hải tiến hành tập trận chung, huy động tới một nửa số chiến hạm chủ chốt của hải quân nước này. Đầu tháng 10.2010 cuộc tập trận bắn đạn thật huy động 1.800 lính thuỷ quân lục chiến Trung Quốc tập trận trên khu vực trải dài từ Quảng Đông cho đến Hải Nam. Tàu đổ bộ và xe tăng đã được dùng để tung quân lên bờ trong khi lực lượng tấn công phá nhiễu điện từ và tên lửa do đối phương bắn ra.

Chủ tịch công tâm làm việc lớn

Nhìn vào lợi thế của Indonesia trong vai trò chủ tịch ASEAN, mọi người nghĩ ngay đến các vấn đề mà nước đông dân nhất ASEAN nêu lên cho vai trò của mình. So với những vấn đề toàn cầu khác: mâu thuẫn địa – chính trị ở Đông Bắc Á, phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, biến đổi khí hậu, dân chủ hoá và nhân quyền… thì tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông chỉ là bãi mìn nhỏ giữa các bãi mìn lớn vừa nêu. Nhỏ nhưng nó lại tác động đến cục diện khu vực và quốc tế nói chung.

Indonesia không có tranh chấp với các nước khác, kể cả với Trung Quốc, về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, nước này đã sớm gửi công hàm phản đối lên Liên hiệp quốc về vấn đề thềm lục địa, với cáo buộc rằng, việc Trung Quốc coi thềm lục địa ở phía nam quần đảo Trường Sa là của Bắc Kinh là thiếu cơ sở pháp lý, đụng chạm tới vấn đề thềm lục địa của Indonesia. Với vai trò chủ tịch, lại ủng hộ xu hướng tự do lưu thông hàng hải, hy vọng Indonesia sẽ theo đuổi một cách công tâm vấn đề Biển Đông trong cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN.

Khi có lời qua tiếng lại, tương đối gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ vì cả hai đều coi Biển Đông là “quyền lợi cốt lõi”, ngoại trưởng Indonesia Marti Natalegawa đã tuyên bố thẳng thừng: “Mỹ có toàn quyền, có bổn phận, có quyền lợi tham dự vào tất cả các cuộc thảo luận về Biển Đông”. Hy vọng Indonesia công tâm, là nói trong bối cảnh phức tạp đó, “vị anh cả” vẫn nêu vấn đề Biển Đông, nếu không được cao hơn, thì cũng không thể thấp hơn mức độ năm 2010.

Đầu năm 2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng khẳng định, Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ hoà bình, kiên trì chính sách ngoại giao hoà bình, luôn đi trên con đường phát triển hoà bình, thực hiện chiến lược mở cùng có lợi, cùng thắng! Hy vọng rằng, với tư duy đó, sẽ không có bất cứ thành viên lạc lõng nào trong cộng đồng quốc tế hay trong khu vực, đứng ra ngáng chân Indonesia trong việc củng cố vị thế toàn cầu trong những người sáng lập ra tổ chức, tạo cơ hội để ASEAN có thể tiếp cận các vấn đề toàn cầu, chứ không chỉ loanh quanh trong các vấn đề khu vực.

TS Đinh Hoàng Thắng (Theo SGTT)