Nhiều người có thói quen uống nước cam vào buổi sáng như một lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tại Anh đang cảnh báo rằng thói quen này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột, đặc biệt nếu uống thường xuyên hoặc với lượng lớn.

Theo Express, chuyên gia dinh dưỡng Steven Hegarty cho biết nước cam tuy chứa đường tự nhiên nhưng lại có hàm lượng rất cao, thậm chí cao hơn cả một số loại nước ngọt có ga. “Việc tiêu thụ quá nhiều đường từ nước cam có thể gây rối loạn đường ruột, khiến dạ dày khó chịu và hoạt động kém hiệu quả”, ông nói.

nuoc cam.jpg
Nước cam chứa nhiều đường và có tính axit không thích hợp uống vào đầu ngày. Ảnh minh họa: Ban Mai

Ngoài ra, lượng đường cao trong nước cam còn có thể làm tăng đột ngột đường huyết và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật này đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất. Khi mất cân bằng, cơ thể có thể gặp các triệu chứng như đầy bụng, khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Theo chuyên gia Hegarty, nước cam có thể mang lại cảm giác sảng khoái tạm thời nhưng sau đó dễ gây tụt năng lượng.

Để thay thế, ông khuyến nghị nên chọn những đồ uống nhẹ nhàng hơn cho hệ tiêu hóa vào buổi sáng, như một cốc nước ấm pha với vài lát chanh. Loại đồ uống này vừa giúp cơ thể bổ sung nước, vừa hỗ trợ quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn vào đầu ngày.

Tác dụng của nước cam và lưu ý khi uống

Nước cam từ lâu đã được biết đến là loại thức uống giàu dinh dưỡng, nhờ vào hàm lượng vitamin C, kali và chất chống oxy hóa dồi dào. Theo thông tin từ Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), nước cam chứa hesperidin - hợp chất có khả năng hỗ trợ giảm viêm, cải thiện chức năng mạch máu và tăng cường sức khỏe tim mạch. Uống nước cam với lượng vừa phải, khoảng 120ml mỗi ngày (tương đương một ly), có thể góp phần tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tuần hoàn máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, nước cam cũng chứa lượng đường tự nhiên khá cao và không có chất xơ khiến cho đường trong nước cam được hấp thu rất nhanh vào máu. Việc uống quá nhiều có thể dẫn đến tăng đường huyết đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Bên cạnh đó, việc thiếu chất xơ cũng khiến người uống cảm thấy đói nhanh hơn và có xu hướng tiêu thụ thêm đồ ngọt, dẫn đến tăng cân ngoài ý muốn. Ngoài ra, tính axit của nước cam cũng ảnh hưởng đến men răng nếu uống thường xuyên mà không vệ sinh răng miệng đúng cách.

Không phải ai cũng phù hợp để uống nước cam mỗi ngày. Đối với những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày, nước cam có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng cảm giác ợ nóng và khó chịu.

Với người bị tiểu đường loại 2, do nước cam không chứa chất xơ nên gây tăng đường huyết nhanh chóng sau khi uống. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến khích người bệnh nên ăn trái cây tươi thay vì uống nước ép,.

Đặc biệt, trẻ dưới 1 tuổi không nên uống nước cam. Theo khuyến cáo từ Học viện Nhi khoa Mỹ, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu, dễ bị rối loạn khi tiếp nhận đồ uống có tính axit cao như nước cam.

3 không khi ăn canh cua
Canh cua là món ăn dân dã, bổ dưỡng, đặc biệt được yêu thích trong mùa hè nhờ khả năng giải nhiệt, kích thích vị giác và hỗ trợ tiêu hóa.