Lân la dò hỏi ở các chợ đầu mối mà các chủ hàng cơm bình dân thường hay nhập thực phẩm, xin phụ việc tại một vài quán cơm sinh viên… chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm cũng như chất lượng đồ ăn tại những quán cơm bình dân dán mác giá rẻ cho sinh viên.
Ớn lạnh cơm giá rẻ ở làng sinh viênĐắng lòng bát cơm rắc muối
Cơm sinh viên - chỉ nên mua lợn chết?!
Tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu, thực phẩm luôn rẻ hơn từ 3.000đ/kg tới 6.000đ/kg,
cà chua dập nát “giá mềm” 5.000đ/kg, lá già cải thảo 3.000đ/kg …nhưng dường như
vẫn quá cao so với khả năng của nhiều hộ kinh doanh nên họ phải chọn giải pháp:
đi nhặt. Các loại hàng như lá già bắp cải, cải thảo, cà chua dập nát, lá hành
úa, lá rau thơm... bị tiểu thương tách ra trong buổi chợ hoặc vứt bỏ lại luôn
được thu nhặt sạch sẽ.
|
Nhặt lá rau dập nát để chế
biến cơm sinh viên |
Chờ đến khi tan chợ, chúng tôi bám theo 2 người phụ nữ đi xe máy với 4 túi
bóng to đầy lá già bắp cải, cà chua dập nát, lá hành úa... được buộc cùng với
các mặt hàng đã mua từ trước như su su, rau muống, rau cải.
Từ chợ rau họp gần đường Hồ Tùng Mậu, chiếc xe phóng qua đường Cầu Giấy rồi dừng
trước một hàng cơm bình dân trên phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội – nơi mà
đống rau dập nát bị đổ đi trên đường đầy bụi bẩn khi nãy sẽ trở thành các món ăn
hấp dẫn phục vụ thực khách.
Khi được hỏi về hành động này của người làm hàng cơm, một chủ chuyên kinh doanh
cà chua hãi hùng: “Mình vẫn còn ngồi bán hàng mà người ta đã lao vào nhặt quả
dâp nát, đôi khi là thối hỏng vứt đi. Ăn cơm ngoài chả bao giờ dám chọn món có
cà chua là vì thế”. Còn chị Thanh bán trà đá ở đây đã lâu ngao ngán: “Sáng nào
cũng có cả một đội quân...”
Vẫn trong vai những người tìm mua nguồn thực phẩm giá rẻ mở hàng cơm sinh viên,
6g sáng chúng tôi có mặt tại khu bán thịt lợn trong chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng
Mai, Hà Nội). Giá thịt lợn tươi tại đây thấp hơn so với giá thị trường từ
25.000đ/kg tới 30.000đ/kg. Tuy nhiên, khi được ngỏ ý muốn đặt mối cho quán cơm
sinh viên, một bà chủ hàng thịt vừa đưa ra một tảng ba chỉ mềm oặt, trắng nhợt
vừa nhiệt tình tư vấn: “Bán cho sinh viên chỉ nên mua hàng lợn chết chưa lâu
này, mã vẫn còn đẹp, không có mùi hôi, giá từ 60.000đ/kg đến 70.000 đ/. Còn
muốn loại 40.000đ/kg đến 50.000đ/kg cũng có nhưng thịt đã chảy nước và bốc mùi
hôi gây”.
Một chủ hộ khác tên Đạt – quê Hà Đông, kinh doanh thịt lợn tại chợ đền Lừ đã
nhiều năm xác nhận: “Các quán cơm sinh viên thường xuyên lấy lợn chết của anh để
làm món rang, kho với giá dao động từ 60.000đ/kg đến 70.000đ/kg. Thịt xay giá
thấp hơn, từ 40.000đ/kg đến 50.000đ/kg do có độn thêm mỡ vụn hoặc hàng “kém
chất lượng”. Hầu như không hàng bình dân nào chế biến món luộc vì bắt buộc phải
mua thịt mới với giá thành đắt hơn”.
Được biết, lợn bán ở đây thường chết do bị ngạt trong quá trình vận chuyển hoặc
chết bệnh, người chăn nuôi bán tháo cho các đầu nậu với giá 10.000đ/kg trong khi
giá lợn sống thu mua tại chuồng đã dao động từ 65.000đ/kg đến 75.000đ/kg.
Chưa hết sốc vì thịt lợn, chúng tôi lại phải giật mình khi tiếp tục tìm hiểu về
giá cả và nguồn gốc các loại gà vẫn nhập cho quán cơm sinh viên. Theo các hộ
kinh doanh, chợ đầu mối đền Lừ chủ yếu nhập hai loại gà là gà công nghiệp và gà
đông lạnh. Gà công nghiệp được nuôi bằng cám tăng trưởng có giá bình quân từ
80.000đ/kg – 85.000đ/kg. Gà đông lạnh Trung Quốc nhập lậu qua biên giới giá rẻ
hơn một nửa, từ 40.000đ/kg tới 45.000đ/kg nên hầu hết các hàng ăn sinh viên sử
dụng loại này.
Anh Hoàng – người chuyên giao gà cho các quán cơm ở khu vực Cầu Giấy tiết lộ:
“Hàng đông lạnh nhập từ cửa khẩu rồi đổ về tới quán cơm thì thời gian đã lên tới
hàng tuần, đã bốc mùi. Còn loại gà như trong lô hàng 90 tấn mới bị lực lượng
chức năng bắt ở Quảng Ninh muốn lấy bao nhiêu cũng có, giá từ 30.000đ/kg –
40.000đ/kg”.
Hãi hùng công nghệ chế biến
Để nắm rõ hơn về quy trình chế biến những loại rau củ dập nát, thực phẩm ôi thiu
đó, chúng tôi lân la xin việc ở các quán cơm sinh viên ở gần cổng các trường Cao
đẳng, Đại học. Đồng ý với mức lương 1,5 triệu/tháng và có chỗ ngủ buổi tối, tôi
nhanh chóng được nhận vào làm nhân viên cho một quán cơm bình dân “vô danh” ở
ngõ 377, Cầu Giấy. Chiếc bảng hiệu to chình ình treo dòng chữ nổi bật ghi “Cơm
bình dân” song không hề ghi tên chủ quán theo lối thường thấy. Cả quán ăn có hơn
chục chiếc bàn, lúc nào cũng nườm nượp khách, đa phần là sinh viên. Do chưa có
kinh nghiệm nên chị chủ quán chỉ giao cho tôi việc rửa bát và dọn dẹp khu bếp.
|
Cận cảnh ở quán cơm sinh viên
(Ảnh: SVVN) |
Đối lập với sự sạch sẽ bên ngoài, bên trong quán là nền xi
măng cáu bẩn, tường đen xì nhày nhụa mỡ. Khu bếp nhỏ hẹp chỉ độ khoảng 1.2m2
nhưng lại là nơi tập kết bát đĩa (cả sạch và bẩn) và cũng là địa điểm trung gian
để khách có thể đến nhà vệ sinh. Chỗ rửa bát chỉ có vỏn vẹn hai chậu rửa và một
vòi nước duy nhất đặt ngay cạnh bồn cầu. Bát đĩa rửa xong, không cần qua vật
trung gian để đựng, chúng được để luôn xuống nền xi măng nhoè nhoẹt đất cát. Thi
thoảng có khách đi vệ sinh, tôi cuống quýt bỏ bát đĩa đó mà tránh ra ngoài vì
mùi hôi xông lên nồng nặc. Ấy vậy mà chị nhân viên cũ cứ vô tư đặt bát đĩa tràn
lên bệ đặt chân của bồn cầu.
Tiếp tục tìm hiểu một cửa hàng cơm sinh viên khác nằm sát cạnh trường Cao đẳng
Sư phạm Hà Nội trên đường Dương Quảng Hàm, tôi cũng bắt gặp hình ảnh tương tự
với hai chậu rửa lõng bõng dầu mỡ cho chồng bát đĩa mới ăn xong. Lân la hỏi về
nguồn gốc dầu rửa bát, chị chủ quán bình thản: “Cái này mua can 5 lít về, pha
với thuốc tẩy javel theo tỉ lệ 2:1 rồi rửa thôi, không phải kì cọ nhiều mà sạch
lắm”.
Khi vẫn còn đang bàng hoàng với công thức pha chế nước rửa
bát ở đây, tôi lại tiếp tục “choáng” khi chứng kiến quy trình rửa bát: nhúng
xuống - nhấc lên và lau khô. Có lẽ đã quá quen với cách làm này nên khi thấy tôi
tráng bát kĩ càng, chị chủ luôn miệng nhắc nhanh tay rồi nói lớn: “Nhúng qua
rồi lau là được rồi, kì cọ làm gì cho vất vả ra”?!
Những động tác thuần thục vốn rất mất vệ sinh nhưng từ chị chủ quán đến các nhân
viên đều coi đó là việc nghiễm nhiên. Chị chủ quán nhặt thức ăn rơi vãi xuống
nền đất bẩn rồi vô tư xếp vào đĩa, để cạnh xô thức ăn thừa, cơm cũ xúc ra để nấu
nồi cơm mới tiện tay đặt luôn rá cơm lên miệng thùng rác... Những cảnh tượng ấy
“đập” thẳng vào mắt khiến tôi rùng mình và phải viện cớ đi mua đồ rồi chạy biến
ra ngoài khi tất cả nhân viên trong quán bắt đầu ngồi vào bàn ăn.
|
Bát đĩa để cạnh bồn cầu (Ảnh:
SVVN) |
Hiện nay, nhận thấy môi trường kinh doanh thuận lợi nên các hàng ăn ở khu vực cổng các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng mọc lên như nấm sau mưa. Đánh thẳng vào túi tiền của sinh viên tỉnh lẻ, các chủ quán áp dụng rất nhiều tiểu xảo trong suốt quy trình chế biến nhằm đưa ra mức giá cạnh tranh, “ưu đãi” khách hàng nhất. Rất nhiều sinh viên từng đi làm thêm ở các quán cơm bình dân phục vụ sinh viên cũng không khỏi “rùng mình” khi nhớ lại quãng thời gian trực tiếp tham gia vào quy trình chế biến có một không hai này.
Bạn Linh (quê Nghệ An, cựu sinh viên Ngoại Thương) từng làm
thêm tại một quán ăn ở chùa Láng chia sẻ: “Mình toan thái bắp cải đem rửa thì bà
chủ kêu không cần. Bà tách vỏ ngoài rồi cứ thế cầm cả cây nhanh tay thái vào
chảo dầu để xào”
Còn Đạt – sinh viên ngành Môi trường, từng đi thực tế làm việc tại các quán phở
và cơm bình dân thì có vẻ quen thuộc hơn: “Việc trộn bột gạo thơm vào gạo bình
thường để nấu, thịt bán không hết chia ra rồi bỏ vào tủ lạnh đóng đá để cả tuần,
thực phẩm rửa qua loa, để lẫn lộn sống chín là quá đỗi bình thường ở các quán
mình từng làm”.
Có lẽ cũng vì chứng kiến những cảnh như vậy nên hầu hết các sinh viên làm thêm ở
các quán cơm đều không trụ lại được lâu dài. Họ nhanh chóng tìm công việc mới và
cũng chẳng còn dám đặt chân tới những quán bình dân sinh viên “giá ưu đãi”. Số
khác không quan tâm đến việc chế biến nên vô tình trở thành nạn nhân của một quy
trình khép kín “siêu bẩn”.
Bộ phận còn lại đa phần là sinh viên nghèo, dẫu biết
bẩn, biết đồ ôi thiu song vẫn phải ăn chỉ vì ham giá rẻ.
BẠN NGHĨ GÌ VỀ CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN CƠM SINH VIÊN KINH HOÀNG? NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỂ KHẮC PHỤC HIỆN TRẠNG TRÊN? MỌI Ý KIẾN XIN GỬI VỀ MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC EMAIL: [email protected]. XIN CẢM ƠN!
Bẩn nhưng rẻ thì vẫn đắt hàng! Nguyễn Hữu Phú (Sinh viên năm 4, khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền):
“Mình thường xuyên đi ăn cơm bụi nhưng khi gọi món thì đồ ăn đều
đã nấu chín, sắp ra bát, ra đĩa rồi nên cũng ít khi để ý việc cửa
hàng chế biến chúng thế nào. Chỉ thỉnh thoảng đi vệ sinh qua khu bếp
thì mới quan sát đôi chút. Công nhận là có rất nhiều quán ăn phục vụ
sinh viên tuy giá cả có rẻ nhưng chế biến rất bẩn. Có nhiều chủ quán
khi thanh toán tiền, mồm nói liên tục, nước bọt còn bắn hết cả vào
mặt khách. Song thực tế lại có rất nhiều bạn sinh viên dù biết bẩn
nhưng ham rẻ nên vẫn đến ăn thường xuyên, các quán này lúc nào cũng
đông đúc. Sinh viên mà, đồ ăn đắt hơn 2.000 – 4.000 đồng cũng là vấn
đề nan giải khi quyết định chọn quán”.
|