- Bị người chồng bạc tình ruồng rẫy khi đứa con gái thứ 4 vừa ra đời, hơn 40  năm qua, cụ bà Nguyễn Thị Loan (72 tuổi) phải vật lộn nuôi con.  Thế nhưng, đau đớn thay, trong số 4 cô con gái ấy, có một người mù lòa và một người điên dại.

Con điên dại, tật nguyền…


Từ trung tâm Thủ đô theo quốc lộ 32 khoảng 60km, tôi tìm đến xóm Thượng, thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội. Ở đó có cụ bà Nguyễn Thị Loan khi phải nuôi con tật nguyền ở tuổi “gần đất xa trời”.

Bước qua cánh cổng gỗ mục nát sắp gãy đổ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một căn nhà sập sệ, tuềnh toàng với bốn bức tường đắp đất lỗ chỗ bề mặt và mái ngói mốc xỉn viên vỡ viên lành.

Đó là nơi mà bà Loan và những đứa con của mình sinh sống.


Mẹ con bà Loan và căn nhà tồi tàn sập xệ

Thấy có người lạ vào nhà, một cô con gái của bà Loan cứ cười khành khạch, nhảy chồm chồm xông thẳng lấy tôi mà cấu véo rồi lôi lôi, kéo kéo.

Người đàn bà ấy cao khoảng 1mét; áo quần rách rưới, cáu bẩn. Thoạt nhìn, ai cũng biết đó là một người ngớ ngẩn.

Bà Loan lưng còng chống gậy đi từ trong nhà ra nói mãi thì cô con gái của mình mới chịu buông tay khách.

Mắt bà ươn ướt than thở: “Chú tha lỗi cho con Hòa nhé. Nó bị dở người nên không biết gì đâu. Cứ thấy người lạ vào là nó lại lên cơn thế đấy. Khổ nhục lắm chú ạ!...”.

Cứ thế, như một dòng thác khổ đau bị dồn nén qua nhiều năm tháng, bà Loan kể cho tôi nghe câu chuyện “sầu dưới đáy hồn nhân thế” về cuộc đời truân chuyên của người con gái bị chồng ruồng rẫy lúc còn trẻ, phải một thân một mình nuôi những đứa con tật nguyền, điên dại.

Bà Loan sinh tất cả 4 người con lần lượt là Nguyễn Thị Lương (48 tuổi), Nguyễn Thị Hiền (41 tuổi), Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi), và Nguyễn Thị Tuyến (35 tuổi).

Trong đó, chị Hòa là khác biệt nhất. Khi được 2 năm tuổi, cái đầu của chị không lúc nào đứng im, cứ lắc sang bên này lại nghẹo sang bên khác, đến tuổi biết nói thì ngọng líu ngọng lô và hay gào rú đến rợn người.

Bà Loan lo lắng cho sức khỏe của Hòa nên đã dẫn con đi khám bệnh. Kết quả, bác sỹ đã chuẩn đoán Hòa bị thiểu năng trí tuệ và có dấu hiệu không bình thường. Càng ngày, bệnh tình của Hòa càng trầm trọng, cứ đi ra ngoài gặp ai là chửi bới, xông vào cào cấu, nghịch đất cát bẩn thỉu. Trẻ em trong xóm ai cũng sợ hãi.


Nguyễn Thị Hòa đang ăn miếng sơ mít thối

Đi kèm với chứng thần kinh không ổn định, Hòa còn mang trong mình vô số thứ bệnh khác như loét dạ dày, rồi loạn tiền đình, đau xương khớp,… Nếu chỉ ăn cơm trắng thì không sao, nhưng chỉ cần ăn 3 miếng thịt hoặc vài đũa rau là y như rằng Hòa nôn ra hết.

Những cơn đau khớp gối, đau bụng, đau đầu triền miên hành hạ người đàn bà không bình thường này đến kiệt quệ sức lực.

Hiện tại, Hòa được trợ cấp 250.000 đồng vì mất sức lao động, nhưng số tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với hàng đống thuốc chị phải uống mỗi ngày.

Hết cô em điên dại, cô chị Nguyễn Thị Hiền lại bị mù lòa. Năm 17 tuổi, mắt chị đang sáng thì bỗng dưng tối sầm lại. Bán tất cả đồ đạc giá trị trong nhà, bà Loan đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng không có hiệu quả.

Kiệt quệ kinh tế, bà đành nuốt nước mắt trong lòng đành chấp nhận để con mình không bao giờ nhìn thấy ánh sáng nữa.

Lay lắt một cuộc đời

Năm 1961, bà Loan lấy ông Nguyễn Văn Liễu. Nhưng chồng bà lại là một người trăng hoa chỉ biết mải miết đuổi theo những cuộc tình để tìm cảm giác mới mẻ. Hơn thế, ông Liểu cũng ghét con gái.

Do đó, mỗi một đứa con của bà Loan ra đời là một lần kẻ bạc tình kia lại có cớ ruồng bỏ vợ để đi theo gái.


 

Bà Loan đau đớn kể: “Ông ấy lấy tôi chỉ để sinh và nuôi con. Nó cứ làm tôi chửa rồi bỏ đi biền biệt vài năm mới về. Đến đứa con gái thứ tư thì cắt đứt tình vợ chồng với tôi. Cả đời ông ấy chưa bao giờ đem tiền về nuôi vợ, nuôi con, thậm chí còn bắt trộm cả gà của tôi đem đi cho gái.

Có lần, còn trơ tráo khoe với tôi là có tổng cộng 18 người tình từ nam ra bắc và 8 đứa con rơi. Tính cả 4 đứa con của tôi thì tròn 1 tá. Bây giờ, ông ta ở với một người đàn bà và 2 đứa con ở tít mãi Hòa Bình ấy”.

Nhìn đứa con của mình đang cạy quả mít thối lấy múi ăn ngồm ngoàm ngoài giếng, bà Loan lại buốt nhói tâm can.

Bà kể: “Hồi chúng nó còn nhỏ, cuộc sống khốn cùng lắm. Hằng ngày tôi phải gánh rau đi bộ 15km để lên Thất Khán đổi lấy sắn rồi lại gánh sắn về bán kiếm lời. Nhiều khi đói “mắt xanh nanh vàng” không có gì ăn, tôi phải ra đồng cắt lúa non về tách vỏ, mỗi bữa nấu khoảng lưng bơ gạo trộn lẫn bẹ cải bắp già và vỏ sắn dùng cho lợn nấu lên 5 mẹ con cùng ăn.


Dù tuổi già sức yếu nhưng ngày ngày bà Loan vẫn phải đan chổi để có thêm thu nhập

Bà Trần Thị Vân, hàng xóm của bà Loan kể: “Nhìn một thân một mình bà Loan nuôi đàn con nheo nhóc thương tâm lắm. Nhà tôi cũng không giàu có gì, thỉnh thoảng cho mấy đứa nhỏ bát cơm. Chúng nó sẻ làm 4 chia nhau ăn mà ăn cho đỡ đói”.

Nếu mai tôi chết…

Hai người con còn lại của bà Loan là Lương và Tuyến tuy lành lặn nhưng lại lấy chồng xa, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ gì cho gia đình.

Vào cái tuổi “gần đất xa trời”, hàng trăm thứ bệnh lại đổ lên đầu bà Loan như sỏi thận, thoái hóa đốt sống lưng, đau nhức khớp… khiến bà không thể lao động được.

Ngoài 250 ngàn nhận được từ quỹ hỗ trợ hộ nghèo của nhà nước, bà Loan ngày ngày phải cặm cụi đan chổi rơm để có thêm thu nhập, cuộc sống vô cùng khốn khó.

Nghĩ về những ngày tháng sau này, bà luôn trăn trở: “Nếu mai tôi chết, những đứa con của tôi sẽ ra sao? Tôi chỉ mong sẽ có ai đó tốt bụng giúp đỡ cho các cháu”.

Lời tâm sự ấy của bà Loan cứ xoáy sâu vào trong suy nghĩ của chúng tôi. Thật thương cho một cô gái trẻ bị chồng ruồng rẫy, một người mẹ nghèo khổ lận đận nuôi đàn con điên dại, tật nguyền.

Phùng Minh Phúc