Zhao Weiguo, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tsinghua Unigroup, vừa bị tuyên án tử hình treo, khép lại vụ án chấn động ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Bản án dành cho Zhao Weiguo được tuyên sau hơn 2 năm ông này bị điều tra tham nhũng. Zhao từ chức năm 2022, cùng thời điểm tờ Caixin đưa tin ông bị nhà chức trách bắt giữ để điều tra.
Công tố viên cáo buộc Zhao lạm dụng quyền lực để tham nhũng, thu lợi bất chính cho họ hàng, bạn bè, mua sắm trái phép tài sản quốc gia trị giá hơn 470 triệu NDT (tương đương 65 triệu USD ngày nay).
Ông còn bị buộc tội dàn xếp giao dịch bất chính, gây thất thoát cho một công ty niêm yết và khiến nhà nước thiệt hại 890 triệu NDT (tương đương 124 triệu USD ngày nay).
Theo CCTV, ngày 14/5, hơn 19 tháng kể từ khi Zhao hầu tòa tháng 9/2023, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Cát Lâm kết án tử hình treo 2 năm đối với ông.
Vào giai đoạn cuối của thời gian ân xá 2 năm, án tử hình có thể giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn 25 năm nếu người bị kết án khắc phục hầu hết hậu quả, lập công lớn.
Zhao Weiguo gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước Trung Quốc trong thời gian lãnh đạo hãng bán dẫn Tsinghua Unigroup. Ảnh: VCG
Tòa án chỉ ra các hoạt động tham nhũng của Zhao liên quan đến số tiền “cực kỳ khổng lồ và gây ra tổn thất đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước”, theo CCTV. Zhao thừa nhận tội lỗi, bày tỏ ăn năn và tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả nên đủ điều kiện được khoan hồng.
Tsinghua Unigroup từng được xem là một trong những lá cờ đầu sản xuất chip Trung Quốc, sản xuất chip cho máy tính, thiết bị di động và hạ tầng đám mây.
Zhao, gia nhập công ty thập niên 90, đã giúp đưa Tsinghua Unigroup thành người chơi lớn trong ngành bán dẫn thông qua hàng loạt vụ thâu tóm.
Để tài trợ cho việc mở rộng hoạt động chip, Tsinghua Unigroup chủ yếu dựa vào hỗ trợ của nhà nước. Dưới sự dẫn dắt của Zhao, công ty còn đầu tư vào tài chính, giáo dục và truyền thông.
Những năm gần đây, Tsinghua Unigroup trải qua quá trình tái cơ cấu phá sản sau khi vỡ nợ hàng tỷ USD trái phiếu. Năm 2022, công ty hoàn thành tái cấu trúc, thay thế hai chủ sở hữu – Đại học Thanh Hoa và một pháp nhân thuộc về Zhao – bằng hai công ty đầu tư mạo hiểm bán dẫn do nhà nước hậu thuẫn.
Vụ kiện chống lại Zhao được công bố lần đầu năm 2023, nằm trong một loạt vụ điều tra chống tham nhũng đẩy nhiều nhân vật cốt cán trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vào vòng lao lý.
Một số trường hợp bị xử tử hình treo tại Trung Quốc
Ngày 26/11/2024, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Lưu Liên Khả bị tuyên án tử hình treo vì các hành vi nhận hối lộ hơn 121 triệu NDT và cho vay trái phép, gây thất thoát hơn 190,7 triệu NDT.
Ngày 10/10/2024, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (ngân hàng trung ương) Trung Quốc Phạm Nhất Phi bị tuyên án tử hình treo 2 năm vì nhận hối lộ hơn 386 triệu NDT, cũng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn hỗ trợ phi pháp các cá nhân, đơn vị vay vốn, ký kết hợp đồng kinh doanh.
Ngày 17/10/2016, cựu Vụ phó Vụ than đá thuộc Cục năng lượng Trung Quốc Ngụy Bằng Viễn bị tuyên án tử hình treo 2 năm vì nhận hối lộ 212 triệu NDT và lợi dụng chức vụ, quyền hạn phê duyệt trái phép các dự án khai thác than.
Ngày 10/8/2015, một tòa án quân sự Trung Quốc tuyên án tử hình treo đối với tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần của quân đội Trung Quốc vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, sử dụng quỹ sai mục đích, lạm dụng chức quyền.
Năm 2012, Cốc Khai Lai – vợ của ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh – bị kết án tử hình treo 2 năm vì tội giết chết doanh nhân người Anh Neil Heywood. Năm 2015, Tòa án Bắc Kinh đề nghị giảm từ án tử hình xuống tù chung thân vì đã ‘hối cải’.
Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Ma Thị Thanh Hiếu, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên đăng trên Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 5/2023, trong Luật Hình sự Trung Quốc, hình thức ân xá hai năm có thể áp dụng khi một người bị tuyên án tử hình, trong trường hợp việc thi hành án ngay lập tức không được coi là “cần thiết” (gọi là tử hình treo). Vào giai đoạn cuối của thời gian ân xá, án tử hình có thể được giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn 25 năm nếu người bị kết án khắc phục hầu hết hậu quả, lập công lớn trong thời gian này.
Để áp dụng hình phạt này cần đáp ứng hai điều kiện: về nhân thân của bị cáo, dù hành vi phạm tội của họ là nghiêm trọng nhưng có cơ sở để cho rằng họ có thể không tái phạm/hoặc lập công lớn và không cần thiết phải thi hành án tử hình ngay lập tức; về thủ tục, ngay tại thời điểm tuyên án tử hình, bị cáo cũng sẽ được xem xét và quyết định có thể được hưởng ân xá 2 năm kèm theo hay không. Quyết định của Hội đồng xét xử là rất quan trọng.