![]() |
Theo đại diện Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), hiện nay ngành tài chính đã triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành tác nghiệp, các hệ thống thông tin.
Các hệ thống lớn đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng như: hệ thống kê khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; Hệ thống thông quan điện tử, hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS; hệ thống thanh toán song phương giữa các ngân hàng thương mại; các dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực kho bạc Nhà nước,… hay ở các hệ thống triển khai trên phạm vi toàn ngành tài chính.
Việc tích hợp chữ ký số trên các hệ thống này đã góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tài chính công, đặc biệt trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đến xã hội như: thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, nâng cao hiệu quả trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành tài chính; góp phần đảm bảo an toàn thông tin và hệ thống thông tin của Bộ Tài chính.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng của ngành tài chính được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ về chính sách, nhân sự và công nghệ. Các giải pháp công nghệ áp dụng tại Bộ Tài chính cũng được khai thác sử dụng tối đa.
Tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được áp dụng nhằm mục đích ký số trên các thông điệp dữ liệu (chứng từ điện tử, văn bả điện tử) nhằm đảm bảo tính pháp lý của thông điệp dữ liệu, qua đó cho phép sử dụng thông điệp dữ liệu thay cho văn bản, hồ sơ giấy; Cung cấp khả năng giao dịch bằng phương thức điện tử giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân và cơ quan tài chính; thay thế phương thức giao dịch trực tiếp theo truyền thống. Nhờ đó, Bộ Tài chính có thể triển khai hàng loạt các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Cung cấp khả năng nhận biết nếu thông điệp dữ liệu bị thay đổi, tham gia đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu trong quá trình trao đổi, lưu trữ thông tin, dữ liệu.
Xác thực người dùng khi truy cập từ Internet vào hệ thống mạng nội bộ Bộ Tài chính, cung cấp khả năng truy cập hệ thống mạng của Bộ Tài chính tại bất cứ thời điểm nào theo yêu cầu của công việc mà vẫn đảm bảo an toàn cho việc truy cập này. Đồng thời, chữ lý số cũng giúp xác thực máy chủ web của ứng dụng để tránh nguy cơ giả mạo, tăng cường sự tin cậy của người dùng đồng thời mã hóa kênh kết nối giữa người dùng và máy chủ web.
Dù mang lại lợi ích rất lớn nhưng hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai áp dụng chữ ký số.
Cụ thể, theo đại diện Cục Tin học và Thống kê Tài chính, nhiều cơ quan, nhà nước và doanh nghiệp vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm chữ ký số và chữ ký điện tử dẫn đến sử dụng không đúng các khái niệm này trong văn bản.
Quy định giá trị pháp lý và hình thức thể hiện của chữ ký số cho đối tượng cơ quan, tổ chức hiện nay vẫn theo hướng mô phỏng mô hình văn bản giấy, gây phức tạp cho việc áp dụng chữ kýt số tại cơ quan, tổ chức.
Hiện, vẫn chưa có quy định cụ thể về các dịch vụ bổ trợ như cấp dấu thời gian, kiểm tra hiệu lực chứng thư số theo thời gian thực (OCSP) gây lúng túng cho các đơn vị trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ này.
Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho các cơ quan Nhà nước và hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng chưa được quốc tế công nhận, gây khó khăn cho người sử dụng ngoài xã hội trong việc kiểm tra tính hiệu lực của chứng thư số và chữ ký số.
Ngoài ra, việc quản lý thuê bao chứng thư số cũng còn thiếu công cụ hỗ trợ, gặp khó khăn trong viêc theo dõi, rà soát, thống kê số liệu và tránh cấp phát trùng lắp chứng thư số. Do số lượng chứng thư số cần cấp phát, thu hồi, gia hạn thuộc Bộ Tài chính rất lớn nên Bộ Tài chính có nhu cầu cấp thết về công cụ hỗ trợ này.
Hiện, chưa có quy chuẩn nào cho việc tích hợp chứng thư số vào ứng dụng này, gây lúng túng cho đơn vị khi triển khai chữ ký số.