Đau đầu chuyện trẻ dùng “dế”

Đổ xô sắm “dế”

Buổi trưa, siêu thị Vinaconex (khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) đang thưa khách, bỗng từ gian hàng đồ chơi vang lên tiếng “Ếch ộp! Ếch ộp!”. Cái âm thanh vừa lạ tai, vừa buồn cười ấy khiến chị Hằng phải chú ý, nhưng nhìn tới nhìn lui chị cũng chẳng thể nào đoán được nó phát ra từ đâu. Đang nghĩ bụng chắc là tiếng kêu của món đồ chơi nào đó, bỗng chị phải phát “choáng” khi thấy chính chú nhóc chừng 9 - 10 tuổi đang đứng bên cạnh mình vừa bụm miệng cười rấm rích, vừa điệu nghệ móc ra từ túi quần cộc chú dế hiệu Nokia 5310 màu đỏ đen thời thượng và alô nhận cuộc gọi.

Con trẻ được nghỉ học đột xuất hoặc nghỉ hè - lâu nay luôn trở thành nỗi “kinh hoàng” đeo đẳng của những gia đình có con nhỏ mới học cấp 1. Không chỗ gửi, không có ai ở nhà trông nom, mang đến cơ quan chẳng xong, nên cực chẳng đã, nhiều gia đình từ giàu có tới không mấy dư giả cũng tính chuyện sắm “dế” cho con để tiện bề liên lạc, kiểm soát. Chị Minh Lan - nhà ở khu Nam Thành Công (Hà Nội), có con sắp lên lớp 6, bảo: “Khi cho cháu dùng di động từ năm lớp 4, nhiều người cảnh báo với tôi về những mặt trái. Nhưng công việc bận rộn đi từ sáng đến chiều, vợ chồng tôi không còn sự lựa chọn nào khác để giám sát chặt chẽ hơn khi cháu đi chơi hoặc ở nhà một mình. Tôi dùng thuê bao trả trước để kiểm soát cước phí, chỉ đăng kí cho cháu sử dụng dịch vụ nhận cuộc gọi, nhắn tin và nghiêm cấm không cho ai biết số điện thoại ngoài người thân trong nhà”.

Theo thông tin từ một số cửa hàng ĐTDĐ ở Hà Nội, hè năm nay lượng gia đình dắt con đến mua điện thoại tăng lên trông thấy. Thường họ chỉ chọn những loại “nồi đồng cối đá”, rẻ tiền như Nokia 1100i, 1200, Sam Sung B100, Sony J110i… giá từ 500 - 650 nghìn đồng; điện thoại Trung Quốc giá từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu với đầy đủ chức năng chụp ảnh, nghe nhạc, quay phim. Nhưng cũng lắm gia đình không hiểu vì muốn con sử dụng đồ tốt hay vì muốn “khẳng định đẳng cấp”, khi vào cửa hàng luôn khoanh vùng toàn những loại 4 - 5 triệu đồng để “cậu ấm cô chiêu” thoải mái lựa chọn.

Chuyện giám sát: Chẳng dễ

Ở vào lứa tuổi cấp 1, mối lo về việc trẻ sử dụng ĐTDĐ vào những việc xấu như liên lạc với bạn bè đi chơi lêu lổng, tải hình sexy… chưa quá lớn như lứa tuổi từ 14 - 15. Tuy nhiên, các phụ huynh cũng không nên chủ quan bởi lắm cu cậu tuy “bé tí” nhưng rất tinh ranh. Như trường hợp chị Mai (nhà ở khu văn công Mai Dịch): mới mua cho cậu con trai học lớp 5 chiếc Sony Ericsson W200i chưa đầy một tuần, kiểm tra đột xuất thì chị tá hoả thất kinh phát hiện ra cái tin nhắn… chết người: “Giới mày râu cần làm gì để chị em đạt cực khoái?”; xem tài khoản thì thấy cái thẻ 50.000 đồng mới nạp chưa đầy 2 hôm đã hết 1/3. Điên tiết, giữa đêm chị lôi cu cậu dậy cho một trận đòn lằn mông. Truy hỏi mãi, cuối cùng thằng bé mới chịu tẽn tò lôi ra tờ báo thể thao trên bàn làm việc của… bố với trang quảng cáo: “Soạn tin nhận kiến thức giáo dục giới tính bổ ích” kèm hướng dẫn thao tác chi tiết.

Bài học là các phụ huynh trước khi quyết định cho con cái dùng di động cần định hướng và thường xuyên giám sát. Tuy nhiên, kiểu giám sát bằng cách thủ công như đọc tin nhắn, xem thông tin cuộc gọi nhiều khi không mấy hiệu quả bởi nhiều nhóc tì tinh ranh sẽ “qua mặt” cha mẹ bằng cách xem xong rồi… xoá.

Giải pháp tốt nhất cho những trường hợp này là sử dụng tiện ích tra cứu lịch sử cuộc gọi miễn phí qua website của các nhà cung cấp dịch vụ di động (ví dụ, Vinaphone là www.vinaphone.com.vn).

Nếu trong những trường hợp “bất khả kháng”, các phụ huynh cũng không nên cho trẻ sử dụng điện thoại đắt tiền để vô tình biến con em mình trở thành “mồi ngon” của những kẻ trấn lột, bất lương.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 70 ra ngày 11/8/2008