![]() |
Cuộc đấu giá giấy phép 5G trên dải tần 2600-megahertz tại Thái Lan có thể bị trì hoãn đến năm 2018, vì thiếu các nguyên tắc định giá băng tần hợp lý và những thay đổi về mặt tổ chức trong cơ quan quản lý viễn thông.
Ủy ban phát thanh, truyền hình và viễn thông quốc gia Thái Lan (NBTC) ban đầu dự định đấu giá 80MHZ băng thông trên dải tần 2600MHz vào tháng Chín năm nay. Hiện tại dải tần này đang được cấp phép cho MCOT Plc.
Prawit Leesathapornwongsa, một ủy viên của NBTC, nói rằng việc trì hoãn chắc chắn sẽ khiến quá trình triển khai mạng lưới không dây 5G của Thái Lan bị chậm lại, vì dải tần 2600MHz là dải tần tương thích nhất với công nghệ 5G.
Ông cho biết NBTC vẫn chưa bắt đầu triển khai quá trình định giá đối với dải tần 2600MHz.
Công ty MCOT vẫn nắm giữ tổng số 190MHz băng thông trên dải tần 2600MHz và số băng thông này đã không được đưa vào sử dụng trong hơn thập kỷ qua.
MCOT, doanh nghiệp nhà nước của Thái Lan, hồi năm ngoái đã nói với NBTC rằng họ muốn trả lại 80 MHz băng thông trong tổng số 190 MHz băng thông cho NBTC để đấu giá. MCOT nói họ hy vọng khoản bồi thường sẽ phù hợp với dự thảo luật mới của NBTC. Dự kiến, dự thảo luật có hiệu lực vào tháng Năm năm nay.
Hiện tại, NBTC chưa được phép bồi thường cho các doanh nghiệp nhà nước trong trường hợp trả lại băng tần, nhưng dự thảo luật mới của NBTC sẽ cho phép cơ quan quản lý đền bù cho doanh nghiệp trả lại băng tần nhằm sắp xếp tốt hơn việc sử dụng băng tần.
Để cuộc đấu giá giấy phép 5G có thể diễn ra vào năm 2018, NBTC đang được hối thúc phải bắt đầu định giá băng tần 2600 MHz. Ngoài ra, sự thay đổi của cơ quan quản lý viễn thông cũng ảnh hưởng đến quá trình đấu giá, vì các ủy viên hội đồng NBTC hiện tại sẽ kết thúc nhiệm kỳ làm việc vào tháng 10 năm nay.
“Chúng tôi không chắc liệu chính phủ có cho phép các ủy viên hội đồng NBTC hiện nay tổ chức cuộc đấu giá băng tần 2600 MHz sau khi dự thảo NBTC mới có hiệu lực”, Prawit Leesathapornwongsa nói.
Scott Minehane, một nhà tư vấn của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) cho biết tại một hội thảo về 5G ở Thái Lan, rằng Thái Lan vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng trong việc hoạch định và sử dụng băng tần di động.
Ông Minehane cho rằng các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cần thiết lập quỹ băng tần để mua lại những băng tần không sử dụng từ các doanh nghiệp. Mặc dù cuộc đấu giá băng tần 5G được dự kiến vào năm 2018, song vẫn chưa có lộ trình để triển khai, thử nghiệm và thực tế dịch vụ 5G siêu nhanh này tại Thái Lan.
Các quốc gia đã rục rịch triển khai công nghệ 5G
Về công nghệ 5G trên thế giới, nhà quản lý viễn thông Anh là Ofcom đã tuyên bố hồi tháng Hai rằng họ sẽ tổ chức đấu giá băng tần 5G trong năm nay, còn Mỹ vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Campuchia thì tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz vào tháng 12/2016.
Hàn Quốc sẽ có “dịch vụ 5G” trong kỳ Olympics mùa đông năm tới. Nga cũng sẽ có dịch vụ 5G vào World Cup 2018. Nhật Bản dự kiến sử dụng công nghệ 5G cho tất cả các dịch vụ video trong Olympics 2020.
Hãng ZTE của Trung Quốc đã bắt đầu bán điện thoại hỗ trợ 5G đầu tiên trên thế giới, vì Trung Quốc dự định sẽ thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2019, giống với nước Pháp.
Tháng trước, Nokia và nhà mạng Saudi Telecom Co đã ký biên bản ghi nhớ triển khai 5G và đưa Ả Rập Xê Út thành trung tâm kết nối của châu Á, châu Âu và châu Phi.
Tại Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Brazil, các chính phủ đã dùng các quỹ băng tần để tăng cường sử dụng hiệu quả băng tần tại đất nước họ. Indonesia cũng đang trong quá trình phân bổ lại băng tần 2600 MHz để sử dụng.
Veni Shone, chủ tịch của Huawei Technologies, nói rằng các nhà hoạch định chính sách cần đẩy nhanh tốc độ triển khai 4.5G để mở đường cho công nghệ 5G.
Ông Shone nói internet băng thông gia đình, đặc biệt các ứng dụng video và thực tế ảo, sẽ là những ứng dụng “sát thủ” trong thời đại 5G.