
Khoảng những năm 1990, sự tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt của vùng biển này cũng như các hoạt động đánh bắt cá và các nguồn tài nguyên đại dương bắt đầu làm cho các tuyên bố chủ quyền trở nên phức tạp. Khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao, các bên yêu sách đã lập ra kế hoạch khai thác các trữ lượng dầu khí với những tranh chấp xảy ra sau đó, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những tranh chấp năng lượng này không nhất thiết dẫn tới xung đột, vì chúng đã và có thể tiếp tục được giải quyết thông qua các cơ chế phát triển chung hoặc đa phương, vốn có nhiều tiền lệ khác nhau mặc dù không tiền lệ nào phức tạp như Biển Đông.
Tuy nhiên, giờ đây vấn đề đã vượt ra ngoài các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và sự tiếp cận đối với các nguồn năng lượng, vì Biển Đông đã trở thành một điểm trọng tâm về cạnh tranh Trung - Mỹ ở Thái Bình Dương. Kể từ khoảng năm 2010, vùng biển này đã bắt đầu gắn với những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn liên quan tới chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Điều này khiến cho cuộc tranh chấp trở nên nguy hiểm và là một khởi nguồn lo ngại, đặc biệt là khi Mỹ tái khẳng định các lợi ích của mình ở châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường các mối quan hệ an ninh với các bên tuyên bố chủ quyền thuộc ASEAN trong tranh chấp này.
Các nguồn gốc lãnh thổ
Trung Quốc và Việt Nam yêu sách toàn bộ khu vực Biển Đông và các đảo nằm trong vùng biển này, trong khi Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei nhận các khu vực tiếp giáp. Hai nguyên tắc cơ bản chi phối các tuyên bố chủ quyền này, và cả hai đều đi ngược lại yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực. Một là "chiếm đóng thực sự", một tiền lệ được thiết lập bởi Tòa án Trọng tài Quốc tế thường trực trong vụ Đảo Palmas hồi tháng 4/1928. Chiếm đóng thực sự đòi hỏi một khả năng và ý định sử dụng quyền thực thi pháp lý liên tục và không bị gián đoạn, khác với xâm chiếm. Mặc dù Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa, một quần đảo gồm khoảng 30 đảo nằm ở khoảng cách bằng nhau tính từ các bờ biển Việt Nam và Trung Quốc, học thuyết chiếm đóng thực sự chống lại Trung Quốc trong trường hợp Trường Sa, một quần đảo ở ngoài khơi các bờ biển của Philippines và Malaysia, nơi ngoài 9 đảo nước này chiếm được từ năm 1988-1992, các đảo còn lại là do các bên yêu sách khác chiếm giữ.
Nguyên tắc thứ hai là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), văn bản đặt ra các quy tắc để quyết định các tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn lực dựa trên các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và các thềm lục địa (EEZ là một vùng biển trải dài tới 320km tính từ bờ biển xác nhận các tuyên bố chủ quyền của nước ven biển đối với các nguồn tài nguyên ở đó). UNCLOS không xác nhận những tuyên bố vượt khỏi EEZ hoặc các thềm lục địa đã được công bố, nhưng yêu sách của Trung Quốc lại vượt quá EEZ của nước này và chồng lấn với các tuyên bố hợp pháp của các nước ASEAN.
Yêu sách của Trung Quốc dựa vào lịch sử, nhưng những yêu sách như thế không nhiều trọng lượng trong luật pháp quốc tế, điều mà theo cách nhìn nhận của Trung Quốc đã đánh giá thấp di sản của tổ tiên nước này và là một nguồn cơn oán giận. Quan điểm của Trung Quốc là tuyên bố của nước này có trước UNCLOS (công ước được nhất trí năm 1982 và có hiệu lực năm 1994 sau khi được nước thứ 60 thông qua) và rằng văn bản này cần được điều chỉnh để phù hợp với các quyền về lịch sử. Để xác nhận các tuyên bố đó trong một bối cảnh mà sự phức tạp của luật pháp quốc tế có thể không ủng hộ chúng, phía Trung Quốc đã viện tới áp lực ngoại giao liên tiếp để hoặc sửa đổi lại luật pháp quốc tế hoặc giành được một biệt lệ cho mình, khi mà các tuyên bố chủ quyền của tổ tiên nước này sẽ được tất cả các bên thừa nhận.
Dầu, Năng lượng và Hải sản
Là một cuộc tranh chấp lãnh thổ, Biển Đông có thể sẽ tiếp tục là một bế tắc nếu không có bất kỳ một nhu cầu cấp bách nào về một giải pháp.
Tuy nhiên, sự tồn tại của trữ lượng năng lượng trong khu vực lại ngăn cản một giải pháp như vậy.
Với nhu cầu năng lượng trên toàn cầu gia tăng, các nước tiêu dùng chính như Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn cung mới để đáp ứng nền kinh tế phát triển nhanh của họ. Năm 2009, Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai sau Mỹ, và lượng tiêu thụ của quốc gia này nhiều khả năng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, trở thành nguồn tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc nhập khẩu 53% lượng dầu của mình từ Trung Đông, và Ảrập Xêút cùng với Angola chiếm khoảng 66% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đã đa dạng hóa các nguồn cung để giảm lệ thuộc vào dầu nhập khẩu và đã tìm cách tăng cường khai thác ngoài khơi quanh lưu vực sông Châu và Biển Đông.
Cạnh tranh các tuyên bố năng lượng
Việt Nam là một nước sản xuất dầu lửa trong khu vực, với tập đoàn dầu mỏ quốc doanh PetroVietnam đang sản xuất 24,4 triệu tấn dầu, tương đương 26% tổng sản lượng dầu của Việt Nam, trong năm 2010 từ 3 mỏ ở Biển Đông. Với sản lượng ở các mỏ này đang giảm bớt, PetroVietnam đã ký kết 60 hợp đồng sản xuất và thăm dò dầu khí với nhiều công ty nước ngoài khác nhau trong một nỗ lực khai thác các mỏ mới. Tuy nhiên, những mỏ mới đó được cho là không bù nổi các khoản lỗ. Khi Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm khai thác các mỏ mới thì có khả năng xảy ra các vụ đụng độ với Trung Quốc, nước nhất quyết phản đối các nỗ lực của Việt Nam trong việc ký kết các thỏa thuận khai thác với các công ty dầu lửa quốc tế ở Biển Đông.
Trung Quốc than phiền rằng các bên tuyên bố chủ quyền thuộc ASEAN đã xâm phạm lãnh hải của nước này và rằng Trung Quốc có quyền thực thi tuyên bố của mình chống lại những quốc gia đó. Chẳng hạn, vào ngày 26/5/2011, hai tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam khi tàu này đang tìm kiếm dầu khí ở vùng EEZ của Việt Nam, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển miền nam Việt Nam khoảng 120km. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố các đoạn video về một tàu Trung Quốc đang cắt cáp nối với tàu Bình Minh của Việt Nam. Jiang Yu, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định các tàu Trung Quốc đã thực hiện "các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". Vào ngày 9/6, một tàu cá Trung Quốc, tương tự, cũng cán qua cáp thăm dò của một tàu thăm dò khác của Việt Nam.
Philippines cũng có nhiều vấn đề với Trung Quốc. Manila đã nỗ lực đẩy mạnh sự độc lập trong sản xuất dầu, và đặt ra mục tiêu 60% vào năm 2011, một con số mà nước này khó có thể đáp ứng được. Quốc đảo này cũng dự định ký kết 15 hợp đồng thăm dò trong những năm tới về thăm dò ngoài khơi đảo Palawan ở một khu vực mà Trung Quốc nhận chủ quyền. Trong năm 2011, Philippines đã thông báo 7 vụ việc liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2/3, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu lửa trong vùng mà Philippines nhận chủ quyền, cách Palawan 250km về phía tây. Hai tàu này đã rời khu vực sau khi Không lực Philippines được điều động. Vào ngày 5/4, Manila đã đệ trình một thư phản đối chính thức lên Liên Hợp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN trong việc thiết lập một quan điểm chung về vấn đề này. Vài ngày sau đó, phía Trung Quốc đã phản hồi, chính thức cáo buộc Philippines "xâm phạm" lãnh hải nước này. Sau khi Trung Quốc triển khai một tàu hải giám 3.000 tấn mang tên Haixun-31 với một trực thăng tới khu vực, vào tháng 6, Philippines đã điều một tàu hải quân cũ từ thời Thế chiến II, Rajah Humabon, tới vùng nước này nhận chủ quyền. Con tàu đã dỡ bỏ các cột mốc mà phía Trung Quốc cắm trên nhiều đảo nằm trong vùng Philippines yêu sách. Cũng trong tháng 6, Văn phòng của Tổng thống Philippines tuyên bố đặt lại tên cho Biển Đông là "Biển tây Philippines" và tuyên bố một chương trình mở rộng hải quân, theo đó sẽ tăng cường sự hiện diện hạn chế của hải quân nước này trong khu vực.
Bất chấp phản đối của Trung Quốc, cả Việt Nam và Philippines đều dự định sẽ tiếp tục các dự án thăm dò khí đốt với sự tham gia của các công ty nước ngoài. PetroVietnam sẽ hợp tác với Talisman Energy và sẽ bắt đầu khoan thăm dò ở một khu vực mà Trung Quốc đã ủy quyền cho Crestone Corporation năm 1992, hãng hiện nằm dưới sự điều hành của Harvest Natural Resources. ExxonMobil cũng có kế hoạch khoan thăm dò ở ngoài khơi Việt Nam, còn Philippines dự định khoan ở khu mà các tàu Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò của nước này hồi tháng 3/2011.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng bị lôi vào tranh chấp như một người chơi từ bên ngoài, điều càng làm cho tình hình trở nên phức tạp. Tuy nhiên, Ấn Độ có vị thế và sức mạnh để đối phó với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ đang oán giận Trung Quốc vì sự ủng hộ của nước này dành cho Pakistan và các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dọc đường biên giới chung giữa hai nước vốn sẽ gây khó khăn hơn cho Trung Quốc quản lý. Các mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam có từ thời Indira Gandhi, chính phủ của ông đã công nhận chính phủ do Việt Nam bảo trợ ở Campuchia năm 1984. Rất nhiều người ở Ấn Độ coi Việt Nam là một đồng minh chống lại Trung Quốc,.
Tàu hải quân INS Airavat của Ấn Độ đang trên đường tới Nha Trang ở miền nam Việt Nam ngày 22/7/2011 thì bị Trung Quốc cảnh báo qua radio là phải tránh xa "lãnh hải Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Ấn Độ đáp trả rằng "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, và quyền đi lại phù hợp với các nguyên tắc đã được chấp nhận của luật pháp quốc tế". Trong khi đó, Trung Quốc phản đối các hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu - Khí Tự nhiên của Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Trường Sa, vùng tranh chấp đặc biệt nhạy cảm với Trung Quốc. ONGC quan điểm rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế, và hãng sẽ tiếp tục các dự án thăm dò ở hai lô gần Quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp đó, trong khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đang ở thăm New Delhi, một thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu lửa và khí đốt trong 3 năm đã được ký kết giữa ONGC và PetroVietnam ngày 12/10/2011, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Đặc biệt là, thỏa thuận đã được ký kết trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm tới Bắc Kinh và bày tỏ tình hữu nghị với Trung Quốc. Quả thực, sự tham gia của Ấn Độ vào khu vực và các mối quan hệ đang phát triển của nước này với Việt Nam sẽ làm cho tình hình ở Biển Đông càng phức tạp hơn. Thêm nhiều vụ việc nữa được cho là có thể xảy ra khi Trung Quốc ấn định giới hạn chống lại đối thủ cường quốc của mình ở châu Á.
(Còn tiếp)
Thanh Hảo dịch từ CSIS