Thúc đẩy nghề nuôi trồng và khai thác hải sản
Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài khoảng 130 km với 05 cửa biển chính (Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Mỹ Á và Sa Huỳnh).
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế biển, nhất là từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã tạo động lực cho kinh tế biển phát triển mạnh mẽ. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng và khai thác hải sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đây cũng là 1 trong 6 ngành kinh tế biển đột phá được tỉnh tập trung đầu tư và phát triển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, từ các nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá. Hiện toàn tỉnh có 5 cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền, gồm: Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 1.750 tàu cá.

Cùng với đó, việc thực thi kịp thời, hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đã tiếp sức để ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu cá cũng như trang thiết bị, máy móc nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Toàn tỉnh hiện có 4.928 tàu cá (tổng công suất trên 1,8 triệu CV). Năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt 278 nghìn tấn hải sản, gấp 11 lần so với năm 1989; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt gần 7.500 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 doanh nghiệp hoạt động chế biến các sản phẩm thủy sản với tổng công suất trên 30 nghìn tấn mỗi năm. Có 14 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản tươi sống qua thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu ủy thác cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh.
Đi đôi với khai thác và chế biến thủy sản, tỉnh đã thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài gần 81km, giao hơn 320ha biển cho 10 tổ chức có hoạt động kinh tế biển. Qua đó, huy động các nguồn lực đầu tư khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp tại các khu vực biển xa bờ, theo định hướng Chương trình phát triển thủy sản của Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tạo không gian kinh tế động lực
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục cảng biển Việt Nam, Quảng Ngãi được quy hoạch cảng biển loại I với khu bến Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 50 nghìn tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải lên đến 20 nghìn tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, lớn thứ nhì trong các cảng ở khu vực (chỉ sau các khu bến Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa).
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, vùng kinh tế sinh thái biển và vùng kinh tế biển, đảo là 2 trong 6 không gian kinh tế động lực.
Tỉnh ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và đa mục tiêu, nhất là mạng lưới giao thông nhằm kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển. Tập trung thu hút đầu tư phát triển đồng bộ khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị ven biển, từng bước hình thành các khu đô thị sinh thái ven biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Cùng với vận tải biển, du lịch biển, đảo cũng không ngừng phát triển và từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là Lý Sơn, đảo tiền tiêu của Tổ quốc với 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển. Thu hút đầu tư, phát triển du lịch và dịch vụ biển. Bảo tồn, tôn tạo, khai thác hiệu quả các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, di sản địa chất ở các khu vực ven biển và đảo để phát triển du lịch.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.