1a.png
Một trạm BTS tại xã Tân Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) sau cơn lũ. Ảnh: Phan Hòa

Tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, triển khai kế hoạch công tác năm 2012 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 4/5, ông Hoàng Công Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói rằng, Viettel đang tập trung mọi nguồn lực để sẵn sàng ứng phó, bảo vệ hơn 53.000 trạm BTS, 150.000 km cáp quang, chưa kể 8.000 trạm BTS và 14.000 km cáp quang mới tiếp nhận từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Tập đoàn đã tổ chức diễn tập tại nhiều tỉnh, thành; mỗi chi nhánh đều có kế hoạch đối phó riêng. 100% trạm BTS độc lập được đầu tư máy phát điện (trong đó có khoảng 2.000 trạm được trang bị máy phát tự động khi mất điện lưới). Đầu tư 45 xuồng máy phục vụ công tác ứng cứu, đầu tư hệ thống trạm BTS cơ động trên xe chuyên dùng để hạn chế tối đa tình trạng mất thông tin liên lạc”, ông Vĩnh nói.

Ngoài việc tăng cường chất lượng công trình viễn thông phục vụ trong đất liền, tuyến biên giới, biển đảo…, năm 2012, Viettel tiếp tục hoàn thiện dự án hệ thống cảnh báo sóng thần (đã triển khai thử nghiệm tại Đà Nẵng - PV), hệ thống cảnh báo mực nước tại các hồ chứa, lắp đặt thiết bị thông tin trên xe lội nước để phục vụ công tác chỉ huy PCLB của Bộ Quốc phòng…

Tại hội nghị, đại diện VNPT cho biết, Tập đoàn này cũng có kế hoạch ứng phó lụt bão 2012 ở từng khu vực, lên phương án bố trí xe chuyển phát sóng lưu động cùng đội ngũ kỹ thuật để sẵn sàng điều động tới những khu vực trọng yếu, đồng thời phối hợp chặt chẽ các đơn vị ngoài Tập đoàn như công an, quân đội… để đảm bảo công tác ứng cứu đạt được hiệu quả cao nhất.

Với đặc thù công việc đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, cứu nạn trên biển cho 10.000 tàu hàng, hơn 100.000 tàu cá, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) liên tục rà soát cơ chế thông tin liên lạc nội bộ để kịp thời phát hiện những bất cập, khắc phục, đảm bảo các luồng thông tin thông suốt. Công ty đang đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, khảo sát để có thể xây dựng thêm đài phát tại quần đảo Trường Sa… Để công tác truyền thông đến người đi biển được hiệu quả hơn trong mùa mưa bão 2012, đại diện Vishipel kiến nghị Bộ TT&TT tác động đến đài phát thanh, truyền hình các địa phương để tuyên truyền những thông tin quan trọng để người dân biết tần số hỗ trợ tàu thuyền 7903KHz, 7906KHz và 8294KHz của hệ thống Đài Duyên hải, trong đó có tần số dành riêng cho cấp cứu khẩn cấp tàu cá là 7903KHz…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng khí tượng thủy văn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, để chủ động đối phó thiên tai và thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 23/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 2012, các DN bưu chính, viễn thông cần thực hiện nghiêm túc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Chính phủ và Bộ TT&TT về phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, về thông tin đảm bảo an toàn cứu nạn, cứu hộ trên biển; tiếp tục kiên cố hóa phòng máy, nhà trạm, ngầm hóa mạng ngoại vi; trực ban điều hành thông tin 24/24 giờ trong ngày; phát triển thêm trạm thông tin di động vùng ven biển…

“Các DN hạ tầng mạng cần nghiên cứu, xây dựng thực hiện kế hoạch dài hạn 5 - 10 năm, đồng thời có lịch trình thực hiện cho từng năm về công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 55 ra ngày 7/5/2012.