Quá trình tái cấu trúc các DNNN, đặc biệt là các DNNN lớn, có thể là một quá trình “biến hóa”, “phù phép” để hợp lý hóa những thương vụ sai trái trước đó của lãnh đạo doanh nghiệp. Những khoản thua lỗ, những món nợ có thể được san sẻ và hợp thức hóa sau quá trình tái cấu trúc DNNN.

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vốn luôn được coi là thành phần kinh tế “rường cột”, nằm trong nhóm đối tượng đóng góp cho Ngân sách Nhà nước cao nhất, song trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực kinh tế mạnh ra đời mặc dù tình hình bất ổn của nền kinh tế vẫn tiếp tục kéo dài và vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. DNNN từ vị thế “con cưng” nay cũng phải tự thân vận động, tự thay đổi để tồn tại và tìm cách vượt qua khủng hoảng.

DNNN: lớn nhưng không khỏe

Áp đảo về số lượng cũng như quy mô vốn thị trường (tính tới cuối năm 2011, cả nước có 1.309 doanh nghiệp Nhà nước với đa dạng quy mô từ lớn (trên 100 tỷ đồng trong nông công nghiệp và trên 50 tỷ đồng trong dịch vụ), đến nhỏ (doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 20 tỷ đồng trong công nông nghiệp và dưới 10 tỷ đồng trong dịch vụ), thậm chí là siêu nhỏ (dưới 10 tỷ đồng)), và ước tính hiện nắm giữ hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương với 35 tỷ USD), tuy nhiên hiệu quả hoạt động của nhóm DNNN lại không mấy khả quan như kỳ vọng.

Tính đến cuối năm 2011, tổng số lỗ lũy kế của riêng các tập đoàn lớn đã lên tới hơn 26.000 tỷ đồng (theo Bộ Tài Chính), cao gấp 12 lần so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong số đó có tới gần 1/3 Tập đoàn, Tổng Công ty có tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Cũng theo số liệu mới công bố gần đây của Bộ Tài chính, tổng dư nợ cho vay DNNN lên trên 415 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng nợ của 12 tập đoàn kinh tế lớn đã chiếm đến 52,66%, dẫn đầu là Petro Vietnam, EVN và TKV.

Tổng dư nợ của một số Tập đoàn lớn tại Việt Nam (tính đến tháng 9/2011)

 

Số nợ (tỷ VND)

Tỷ trng (%)

So với tổng dư nợ của 12 TĐ

So với tổng dư nợ của DNNN

Petro Vietnam

72.300

33,05%

17,41%

EVN

62.800

28,71%

15,12%

TKV

20.500

9,37%

4,94%

Vinashin

19.600

8,96%

4,72%

Tổng dư nợ của 12 tập đoàn kinh tế lớn

218.738

100%

52,66%

Dư nợ cho vay DNNN

415.378

-

100%

Nguồn: Bộ Tài chính

Những con số đáng báo động trên đã cho thấy sự yếu kém trong hoạt động quản lý và kinh doanh của khối DNNN. Cũng chính vì vậy, thay đổi mình để cải thiện tình hình hoạt động là yêu cầu tất yếu của các DNNN hiện nay.

Những cảnh báo không bao giỡ cũ

Là đối tượng chính trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DNNN đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ thông qua việc giảm lãi suất cho vay, ưu đãi thuế hay cân nhắc phương án thành lập công ty mua bán nợ dưới sự quản lý của Bộ Tài chính…, song quá trình tái cấu trúc DNNN có thể bị lợi dụng theo nhiều phương thức khác nhau, như kinh nghiệm tại nhiều nước chuyển đổi Đông Âu đã chứng minh.

Thứ nhất, quá trình tái cấu trúc các DNNN, đặc biệt là các DNNN lớn, có thể là một quá trình “biến hóa”, “phù phép” để hợp lý hóa những thương vụ sai trái trước đó của lãnh đạo doanh nghiệp. Những khoản thua lỗ, những món nợ có thể được san sẻ và hợp thức hóa sau quá trình tái cấu trúc DNNN.

Thứ hai, quá trình tái cấu trúc DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa, có thể dẫn tới việc một phần tài sản của DNNN được chuyển sang tay các cổ đông tư nhân với mức giá thấp hơn giá thị trường (do khâu định giá doanh nghiệp chưa chuẩn xác), và gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp cũng như ngân sách nhà nước.

Thứ ba, câu chuyện “bình mới rượu cũ”, tái cấu trúc theo phong trào, nặng về hình thức. Một ví dụ là phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn (có nơi tới 85 - 90%) trong tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp. Hiện tượng luân chuyển theo hình thức giám đốc doanh nghiệp cũ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, phó giám đốc doanh nghiệp cũ làm giám đốc công ty cổ phần… không phải là điều gì mới mẻ, tiếp tục gây ra nghịch lý: lối tư duy, tác phong làm việc cũ vẫn duy trì trong cơ cấu tổ chức mới.

Hơn thế, “có thực mới vực được đạo”, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ muốn thay đổi cũng phải tiên liệu tương đối chuẩn xác được mức chi phí hợp lý. Trên thực tế, chưa cơ quan nào có thể dự trù kinh phí cụ thể cho quá trình tái cơ cấu DNNN, do phạm vi rộng, dàn trải của nó, cũng như mối liên hệ khá chặt chẽ với quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Tuy vậy, đây chắc chắn sẽ là một khoản không hề nhỏ. Theo quan điểm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm bơm máu cho toàn bộ quy trình tái cơ cấu nền kinh tế thường sẽ rơi vào khoảng 5-15% GDP, tức khoảng 5-6 tỷ USD.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp- một hệ quả tất yếu phát sinh từ quá trình tái cấu trúc DNNN ngày càng khó kiểm soát. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 4/2012, số lượng DNNN và bộ phận DNNN được sắp xếp lại lên đến 5.856, và dự tính trong thời gian sắp tới sẽ còn gia tăng hơn nữa, gây áp lực về giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội cho người lao động. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà của khá nhiều quốc gia trên thế giới, do vậy lựa chọn đối tượng và phương thức tái cơ cấu hợp lý cũng là vấn đề nan giải đối với Chính phủ.

Đứng trước thực tế đó, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nói chung khó có thể đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý, và dù biết rõ, tái cấu trúc là con đường sống còn và là nhiệm vụ cấp thiết nhưng làm ra sao và bằng cách nào có thể kiểm soát rủi ro và tận dụng tối đa ưu thế của mình lại là vấn đề không hề dễ dàng. Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ những bài học của các “tiền bối” DNNN tái cơ cấu thành công, từ kinh nhiệm của Việt Nam và thế giới, sẽ là cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp “biết mình biết ta”, để “trăm trận trăm thắng”, đặc biệt trong thời điểm 6 tháng cuối năm này.       

Ngày 02/8/2012, tại khách sạn Sheraton Hà Nội, lần thứ tư liên tiếp Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2012 do báo VietNamNet và Vietnam Report phối hợp tổ chức. Đây là dịp để lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến về các nhóm giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Để biết thêm chi tiết vui lòng truy cập: www.vietnamreport.net



Ngô Nga