Quá trình nghiên cứu

Cuộc chạy đua vũ trang trong thập niên 1950, với sự phát triển mạnh mẽ về tiêm kích và máy bay ném bom của Mỹ, đã tạo ra áp lực buộc Liên Xô phải đẩy mạnh nghiên cứu các biện pháp đối phó, trong đó có tên lửa phòng không.

Vào năm 1953, Tập đoàn nghiên cứu và phát triển quốc phòng KB-1 (nay là NPO Almaz) đã bắt đầu nghiên cứu về một loại tên lửa có thể bắn hạ các máy bay “có kích thước lớn, không có khả năng cơ động và bay ở độ cao lớn” và có thể chống lại các biện pháp gây nhiễu. Đến năm 1957, dự án đã hoàn thành và tổ hợp S-75 lần đầu ra mắt công chúng trong một sự kiện tổ chức ở Moscow vào tháng 5 cùng năm.

S 75 1.jpg
Bệ phóng và tên lửa của tổ hợp S-75. Ảnh: Topwar.ru

Số liệu kỹ thuật

Vũ khí chính của tổ hợp S-75 là đạn tên lửa V-750 hai tầng, có tầm bắn 29km và có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 23km. Tên lửa mang đầu đạn nặng hơn 190kg. Ở những phiên bản cải tiến về sau, tên lửa lắp trên tổ hợp có tầm bắn xa hơn, chẳng hạn các tên lửa V-755 và V-759 có tầm bắn tối đa lần lượt là 43km và 56-66km.

Theo thông tin trên trang Topwar, tổ hợp S-75M từng được trang bị tên lửa V-760 vào giữa thập niên 1960. Loại tên lửa này sử dụng một loại đầu đạn đặc biệt, nhiều khả năng là đầu đạn hạt nhân.

S 75 2.jpg
Tên lửa V-760. Ảnh: Topwar.ru

Ngoài bệ phóng và tên lửa, một thành phần quan trọng khác của tổ hợp S-75 là radar cảnh báo sớm P-12. Loại radar này có thể phát hiện mục tiêu bay ở khoảng cách 275km, qua đó cảnh báo sớm cho các đơn vị phòng không về sự hiện diện của máy bay đối phương.

Những chiến công hiển hách của S-75

Lần đầu tham chiến của S-75 được ghi nhận vào năm 1959, khi các phân đội điều khiển tổ hợp tên lửa đã bắn rơi một máy bay trinh sát RB-57D Canberra đang hoạt động trên bầu trời Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong những năm 1960 và 1962, S-75 đã tiêu diệt một số máy bay do thám U-2 của phương Tây.

Tháng 9/1965, Ấn Độ đã sử dụng tổ hợp S-75 để bắn hạ một mục tiêu không xác định bay trên không phận thành phố Ghaziabad. New Delhi về sau tuyên bố, mục tiêu đó là một vận tải cơ C-130 tình nghi của Pakistan.

S 75 3.jpg
Ảnh: Topwar.ru

S-75 cũng góp mặt ở Trung Đông, khi các lực lượng phòng không Ai Cập và Syria sử dụng khí tài này để chống lại Không quân Israel.

Không chỉ các máy bay có kích thước lớn và thiếu cơ động là mục tiêu S-75 nhắm tới, ngay cả các tiêm kích hiện đại cũng là nạn nhân của loại tên lửa này. Theo thông tin do tạp chí quốc phòng Moscow Defense Brief có trụ sở ở Nga công bố, vào tháng 3/1993, các đơn vị phòng không của Gruzia từng dùng tên lửa S-75 để bắn hạ một tiêm kích Su-27.