Tháng 9 năm ngoái, khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Ngoại thất, đồ gỗ và mỹ nghệ sân vườn (Source Garden) diễn ra tại thành phố Birmingham. Đáng chú ý, sự góp mặt của các sản phẩm gỗ ngoại thất đến từ Việt Nam đã thu hút sự chú ý lớn từ các nhà bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng Anh.
Tham gia hội chợ, gian hàng Việt Nam trưng bày và giới thiệu các dòng sản phẩm đồ gỗ, mỹ nghệ ngoài trời đa dạng được làm từ những vật liệu trồng tại Việt Nam đạt chứng chỉ quốc tế về phát triển rừng bền vững cùng các vật dụng trang trí vườn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ và người tiêu dùng Anh cũng như quốc tế.
Các mẫu sản phẩm và cuốn catalogue trưng bày đến từ các công ty Woodsland, Pisico, Thiện Tâm, Hoàn Cầu, Bình Phú, Đặng Thành, Bamboo King Vina, Thiên Bắc, Woodsland, Bình Nguyên, Artex Nam An, Hoàng Hưng, Thiên Bắc.
Theo Giám đốc sự kiện Ellingham, đồ ngoại thất ngoài trời nói chung và sân vườn nói riêng hiện là phân khúc bán lẻ đang phát triển tại Anh.
Xu hướng đề cao sân vườn trong giao lưu và giải trí của người dân Anh, quá trình đô thị hóa nhanh và điều kiện sống được cải thiện đã làm tăng nhu cầu về đồ gỗ mỹ nghệ ngoài trời trang trí sân vườn, nhà bếp, quán rượu, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, dự kiến thúc đẩy thị trường phát triển. Theo Tạp chí Làm vườn, 87% hộ gia đình ở Anh có sân vườn và số tiền chi cho các sản phẩm sân vườn ở Anh mỗi năm dự kiến sẽ đạt hơn 6,5 tỷ bảng (khoảng 8,45 tỷ USD) vào năm 2025 là những điều kiện thuận lợi đồ dùng bằng gỗ gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, để thâm nhập, mở rộng thị trường tại Anh và tận dụng hiệu quả những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; đầu tư và sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh.
Đặc biệt, cần chuẩn bị lộ trình chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của Anh về giảm phát thải, chống mất rừng và suy thoái rừng. Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cần lưu ý khi tìm kiếm khách hàng có thể đăng ký gian hàng trên những nền tảng chuyên ngành.
Những yêu cầu về chứng chỉ xanh, thương mại công bằng ngày càng được ưa chuộng và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường tại Anh và tận dụng hiệu quả những lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần phải nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn mới của thị trường và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp; đầu tư và sử dụng các phương tiện, công cụ marketing số hiện đại để tăng cường quảng bá sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Anh.
Theo đánh giá, thời gian qua, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh từ Việt Nam chỉ chiếm 5,8% tổng trị giá nhập khẩu, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu của thị trường này, cơ hội để mở rộng thị phần đồ nội thất bằng gỗ tại Anh là khá lớn.
Cùng với đó, cơ sở ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này tới Anh trong thời gian tới.