Ông Pistorius đã chia sẻ thông tin trên trong cuộc phỏng vấn được tờ Financial Times công bố hôm 13/7. 

Trước đó, hôm 1/7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết, Berlin vẫn đang xem xét quyết định cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Kiev từ lâu đã mong muốn nhận được loại tên lửa tầm xa này, giữa lúc xung đột với Nga ngày càng căng thẳng. 

duc ukraine ten lua.jpg
Tiêm kích Đức mang theo tên lửa hành trình Taurus. Ảnh: The War Zone

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, kho dự trữ của nước này hiện không có đủ hệ thống phòng không Patriot để cung cấp, trong khi 2 hệ thống khác đang ở Ba Lan và một hệ thống luôn được sử dụng cho mục đích huấn luyện hoặc bảo trì.

"Chúng tôi chỉ còn 6 hệ thống ở Đức. Con số này thực sự quá ít, đặc biệt xét đến các mục tiêu năng lực từ NATO chúng tôi phải đáp ứng. Chúng tôi chắc chắn không thể chuyển giao thêm nữa", ông Pistorius nói.

Ông Pistorius nhấn mạnh, Đức cũng sẽ không cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Tên lửa Taurus có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500km, xa hơn các loại vũ khí tầm xa khác Kiev từng nhận được từ các nước đồng minh.

Ông Pistorius cũng cho hay, Berlin vẫn sẵn sàng theo đuổi vai trò hàng đầu trong việc đảm bảo an ninh cho châu Âu trước mối đe dọa từ Nga. "Anh, Mỹ và Pháp từng ở Đức để bảo vệ sườn phía đông của chúng tôi. Ngày nay, Lithuania, các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan là sườn phía đông và chúng tôi phải đóng góp ở đó", Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh. 

Ông Pistorius cũng thúc giục ngành công nghiệp quốc phòng Đức cần đảm bảo có thể đáp ứng được tốc độ nhu cầu mới và nước này cần phải "tăng tốc".

"Ngành công nghiệp cần phải tăng cường năng lực. Điều này áp dụng cho đạn dược, máy bay không người lái (UAV), xe tăng và cho hầu hết mọi lĩnh vực. Trước đây việc thay thế chỉ được thực hiện sau khi những chiếc hiện có gần như đã hết, hoặc bị hỏng. Chúng tôi cần một hệ thống tự đổi mới thông qua việc giao hàng liên tục trong nhiều năm, để số lượng xe tăng hoạt động luôn được giữ nguyên", ông Pistorius nhấn mạnh.

Theo một thỏa thuận do Đức tài trợ, Ukraine sẽ nhận được hàng trăm hệ thống vũ khí tầm xa do Đức sản xuất vào cuối tháng 7.

"Chúng tôi cần các hệ thống vũ khí có thể vươn xa đến tận lãnh thổ Nga để tấn công các kho vũ khí, trung tâm chỉ huy, sân bay và máy bay. Đức sẵn sàng cung cấp các hệ thống như vậy”, Thiếu tướng Đức Christian Freuding phát biểu hôm 11/7.