Năm 2024, bất chấp các khó khăn về thị trường tiêu thụ lẫn hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã về đích ấn tượng, với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023.

Đây cũng lần thứ 2, ngành thuỷ sản cả nước chinh phục mốc 10 tỷ USD. Đáng chú ý, tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi mang về 4 tỷ USD (tăng trưởng 17%), tiếp đến là cá tra với 2 tỷ USD và cá ngừ với 1 tỷ USD.

Theo các doanh nghiệp ngành hàng tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo sản lượng tôm toàn cầu trên 5 triệu tấn cho giai đoạn 2022 - 2023, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm.

Trong bối cảnh một số cường quốc thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đang có sản lượng khá tốt, và tình hình thương mại hàng hoá toàn cầu nhiều biến động, dự đoán mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành tôm trong giai đoạn tới có thể duy trì mức ổn định khoảng hơn 4 tỷ USD, với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh chiếm khoảng 3,6%.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã dần thích nghi với những cam kết, khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường Vương quốc Anh.

W-cabien.JPG.jpg

Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022 - 2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Để xác lập được vị thế và chỗ đứng bền vững tại thị trường Anh và các thị trường lớn, chế biến là trụ đỡ và cũng là đầu tàu của ngành thủy sản.

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như tạo được danh tiếng sản phẩm của Việt Nam, Việt Nam đang dần dịch chuyển từ sản xuất hàng thô, xuất khẩu hàng thô sang hàng chế biến sâu.

Đánh giá về năng lực chế biến, theo đại diện của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến tiên tiến, và đó cũng là lý do Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới.

Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến, tay nghề của người lao động cao. Quy trình sản xuất hàng giá trị gia tăng áp dụng công nghệ cao và khép kín sẽ đảm bảo được việc giữ nguyên hương vị tươi ngon của hải sản, đồng thời tăng năng suất với các sản phẩm đạt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 850 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới, trong đó có 692 nhà máy đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu, 789 nhà máy được công nhận xuất khẩu vào Hàn Quốc, 834 nhà máy xuất khẩu vào Trung Quốc, 100 nhà máy xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh.