Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Fintech giúp phát triển tài chính toàn diện thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, quy mô và mức độ tiếp cận tốt hơn, nhiều tiện ích trải nghiệm cho khách hàng, minh bạch, giảm nguy cơ rửa tiền, tiền giả, in và quản lý tiền mặt cho nhà quản lý. Tài chính toàn diện phát huy hiệu quả tối đa thông qua ứng dụng Fintech để giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Để phát triển Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện những nội dung sau:
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển Fintech. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech; tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm Fintech; quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu… Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và với định hướng phát triển tài chính toàn diện.
Tăng cường, hợp tác giữa Fintech và ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.
Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững, tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại. Để làm được điều đó, cần phải nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại; đồng thời, có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trong việc thúc đẩy sự phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như: Ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua internet, điện thoại di động, thông qua việc cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng.
Tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo và có chính sách triển khai các chương trình hành động về giáo dục tài chính tiếp cận các đối tượng khác nhau như: Trường học, chiến dịch nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân… Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục tài chính góp phần thay đổi nhận thức của người dân về nhằm nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng tài chính của người dân, từ đó họ mới có thể hiểu và sử dụng các dịch vụ được cung cấp.