![]() |
Với cô bạn 9X Nguyễn Linh Uyên, niềm đam mê tiếng đàn violon trước hết bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, cây cỏ. |
Hồi bé, thấy con ở nhà hay hát, thích âm nhạc, thích đàn nên bố mẹ cho Linh Uyên theo thầy học đàn violon. Mẹ là bác sĩ, bố là họa sĩ và mặc dù như Linh tâm sự “bố mẹ không hiểu nhiều về âm nhạc nhưng khi thấy con thích và đam mê thì rất ủng hộ”.
1 năm theo học thầy giáo riêng, đến khi tròn 7 tuổi, gia đình quyết định cho con thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Theo học từ rất sớm nên với Linh Uyên mọi thứ đều cứ thế ngấm vào thật nhanh. Mới đầu là học, đọc nốt nhạc sau đó là làm quen với việc kéo dây đàn violon.
Linh Uyên chia sẻ: “Học violon khiến cuộc sống em tràn đầy niềm vui, không có ý nghĩ tiêu cực. Những khi căng thẳng, tự tìm cho mình một góc riêng dồn tâm sự vào kéo hay nghe một bản đàn của Mozart có thể làm em khuây khỏa, dễ đi vào giấc ngủ nhanh. Âm nhạc cổ điển đến cỏ cây còn có những rung động. Em yêu thiên nhiên, thích trồng cây nên càng thấy mình dễ gắn bó với tiếng đàn violon”.
Học violon khó hơn học toán
Học đàn violon song không bỏ học văn hóa, áp lực học hành, thi cử với Linh Uyên là không hề nhỏ. Sáng, Uyên học đàn ở Học viện, chiều cắp sách đến trường, tối về lại tập luyện 3 - 4 tiếng với đàn cộng thêm kiến thức văn hóa.
Linh Uyên bộc bạch: “Có lần vì lịch học, thi ở hai trường trùng nhau em phải xin nghỉ, thậm chí thi lại văn hóa nên hồi cấp II có cô giáo đã nói thẳng nếu vậy em nghỉ học ở đây luôn đi. Nhiều khi mệt mỏi lắm. Cũng vui là suốt 10 năm ,em đều là học sinh khá, giỏi.
Học violon, nếu bỏ chỉ một buổi không luyện, sẽ xuống tay rất nhiều. Với Uyên, học violon còn khó hơn học toán. "Một bản nhạc có khi anh chỉ mới kéo cho đúng nốt. Để thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó thì rất khó với em”.
Âm nhạc của Mozart luôn luôn là “khó nắm bắt thấu được cái hồn người nghệ sĩ nhất” với Linh Uyên. Học đàn violon cũng không khác nhiều các môn nghệ thuật khác, các em liên tục được giao bài tập sau đó về học, rồi trả bài rồi lên lớp thầy chỉnh sửa, uốn nắn để khả năng của mình được hoàn thiện.
“Buồn và chán nhất là khi thầy nói gì mà mình không hiểu ,hoặc có khi hiểu nhưng có làm được hay không. Nói đơn giản là chỗ này phải to hơn, nhỏ hơn một chút nhưng để có được kỹ thuật làm như vậy lại không đơn giản” - Linh Uyên tâm sự.
Ngoài học trên lớp, Uyên phải nghe thêm nhiều đĩa nhạc của các nghệ sĩ để xem từng đoạn họ xử lí ra sao và học theo. Âm nhạc cổ điển có cái hay nữa là khi nghe một bản nhạc mỗi người có thể thả hồn và mộng mơ với những tưởng tượng khác nhau.
Clip: Nguyễn Linh Uyên và Vũ Ngọc Linh biểu diễn tối 7/7/2011 tại trung tâm văn hóa Pháp (Nguồn: Youtube)
Với Linh Uyên: “hiểu bản nhạc như thế nào thì đánh như thế”. Nghệ thuật, ngoài tài năng bẩm sinh mỗi người được ban tặng thì cái quyết định thành công phải là sự khổ luyện. Chưa kể, phải học để tự tin khi đứng trên sân khấu lớn biểu diễn nữa”.
Tự nhận là người “không phải ai bảo gì nghe nấy, hay “phản biện” nên cũng có khi Linh Uyên làm thầy Duy (nghệ sĩ violon Bùi Công Duy) phật lòng vì tính có phần ương ngạnh.
Nhưng khi được thầy tận tình chỉ bảo, nhận ra mình sai cô bạn lại cười híp mắt, dạ vâng lắng nghe thầy.
“Tiếng đàn của Linh Uyên luôn có một khát khao mãnh liệt. Em đáp ứng được tốt khối lượng bài vở thầy giao dù việc học song song với văn hóa vô cùng vất vả” – Bùi Công Duy chia sẻ: “Thường em chỉ học 2 tiết/tuần nhưng có khi gấp cường độ lên đến 4-5 buổi/tuần. Nhiều khi cả thầy, trò đều mệt mỏi. Mình nhìn thương các em quá.
Rồi đôi khi sự học hành cố gắng của các em không mang lại thành công cũng có thể dẫn đến những tổn thương, nhất là ở độ tuổi con trẻ như thế. Nhưng không chỉ Linh Uyên mà các em trong lớp đều hết sức lạc quan, thực sự say mê tiếng đàn violon. Là người thầy, mình định hướng và cố gắng duy trì ngọn lửa khát khao trong các em”.
Không mong nổi tiếng, muốn được cống hiến
17 tuổi, cũng như những người bạn đồng trang lứa, Linh Uyên cũng nghe nhạc trẻ, nhất là Rap, V-pop. Rồi kể cả dân ca, nhạc đồng quê, nhạc Trịnh Công Sơn... cũng không loại trừ.
![]() |
Linh Uyên chụp với người thầy, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Đeo đuổi theo môn nghệ thuật mà bạn bè hay nhiều người xung quanh “nghe nhạc không hiểu gì” rồi thì bị chê là thứ “âm nhạc già” nhưng Linh Uyên cứ phơi phới:
“Em luôn sống hết mình, thích được thoải mái, cũng party, cũng hét hò, nhảy múa khi vui, thu mình lại khi buồn và đặc biệt không để giận hờn trong đầu quá lâu”.
Không mong là người nổi tiếng, chỉ mong sau này có thể cống hiến chút hiểu biết về violon với thế hệ sau trong việc phát triển âm nhạc cổ điển của nước nhà, Linh Uyên tâm sự: “Năm sau, em sẽ chuyển hẳn sang học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để toàn tâm cho violon. Nếu sau này có điều kiện học cao, hay đi học ở nước ngoài, em mong được như thầy Duy, thành công nhưng vẫn quay trở về đóng góp chút sức cho quê hương.
Dù có thể sau này, các bạn cùng trang lứa có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhàn hạ hơn, nhưng em nghĩ, kinh tế chỉ là một phần. Sống cần phải có đam mê nữa chứ!” - cô gái 17 tuổi nheo mắt.
- Văn Chung
NHỮNG NGƯỜI TRẺ TÍCH CỰC
Tình già lay động nữ sinh báo chí
Những thước phim quay bằng máy ảnh nghiệp dư về chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng già mà Bùi Thị Hà đã làm với tất cả sự trân trọng về hạnh phúc tuổi xế chiêu đã giúp cô có 2 giải vàng từ "Búp sen Vàng".
Cô gái ấn tượng nhất kỳ thi đại học năm nay
Nhưng ngọn lửa đam mê và sự chín chắn của
một lựa chọn ở cô gái tuổi 19 hóa ra đã đánh thức nhiều suy nghĩ của
những bạn trẻ và những người không còn trẻ khi "tự vấn" lại sự lựa chọn
quan trọng trong cuộc đời mình.
Minh 'đầu búa' kể chuyện học Harvard
Chàng trai
cận 9 đi-ốp do đọc sách quá nhiều, từ sách văn học, kinh tế học đến triết học
này luôn trả lời mọi câu hỏi một cách lễ phép và hết mình.
|