Giá xăng giảm 600 đồng, lãi suất điều hành giảm 1%, nhưng giá điện tăng 5% và cùng có hiệu lực từ đầu tháng 7. Đây có phải là sự ngược dòng trong phối hợp chính sách?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, động thái giảm giá của xăng, gas, lãi suất... nằm trong chính sách tháo gỡ khó khăn để kích thích sản xuất. Dù vậy, bà cho rằng giá xăng trong nước cần phải phản ứng nhanh hơn nữa với tốc độ giảm của thị trường thế giới, cả về mức độ và giá. “Cần chấm dứt tình trạng tăng thì nhanh, nhiều, giảm lại chậm, ít, độ giảm không tương xứng với mức của thị trường thế giới”, bà Lan nói.
Với lãi suất, bà Lan nhận định: Đây là chủ trương được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thống nhất từ đầu năm. Song vấn đề cốt lõi, theo bà Lan, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được vốn. Nếu giảm lãi suất và cung cấp tín dụng đúng cho các đối tượng doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có khả năng tiêu thụ sẽ khiến cho lạm phát có thể không tăng lên, kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, giảm lãi suất nhưng lại bơm vốn vào các lĩnh vực mất nhiều vốn đầu tư, thời gian dài, hiệu quả không cao sẽ khiến cho lạm phát tăng lên.
“6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP chỉ hơn 4%, thì chỉ tiêu lạm phát khoảng 7-8% là hợp lý. Nếu tăng trưởng tín dụng đúng đối tượng, lạm phát cũng chỉ đẩy lên đến 7-8% , không gây ra nhiều vấn đề”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét.
Về việc giá điện tăng từ 1/7, bà Lan cho rằng: “Các động thái, chính sách của lĩnh vực dường như vẫn đang trái chiều nhau. Điều tôi lo lắng nhất là sự lạc nhịp của chính sách”. Trong khi Chính phủ đang tiếp tục tính toán, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì vẫn còn có đơn vị đi ngược lại bằng cách tăng giá, trong đó có điện.
![]() |
Giá điện tăng có thể sẽ là thủ phạm khiến cho việc kiềm chế lạm phát bị ảnh hưởng. |
Chuyên gia này nhớ lại cách đây chưa lâu, các ngành cũng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế để kiềm chế lạm phát thì vẫn có những đề xuất tăng giá. Điển hình, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng, thu phí khiến cho ngành ô tô Việt Nam bị ảnh hưởng rõ rệt. Trừ các dòng xe cao cấp dành cho đại gia, lượng tiêu thụ những phân khúc bình dân, trong đó có xe tải phục vụ sản xuất đều giảm mạnh.
Một cựu lãnh đạo cấp cao Bộ Kế hoạch đầu tư cũng nhận định, không có gì quá đặc biệt trong câu chuyện 4 chính sách đồng loạt được tung ra từ đầu tháng 7. Ông cho rằng đây là những công bố đã có chuẩn bị, phù hợp với quy luật và kế hoạch thông thường là áp dụng các điều chỉnh vào đầu quý I và đầu quý III để chủ động, dễ hạch toán.
Lãnh đạo này đánh giá, giảm lãi suất được áp dụng từ đầu năm, giảm giá xăng là do diễn biến giảm của thị trường thế giới, còn việc tăng giá điện cũng đã được chuẩn bị trước. Theo ông, để đảm bảo kiềm chế lạm phát và ổn định tăng trưởng, thay vì trông chờ một số chính sách như trên, còn nhiều việc khác phải làm. “Đến nay, kinh nghiệm cho thấy các chính sách mới tác động vào giá cả chỉ làm được cho từng năm một”, ông nhận xét.
Đánh giá lạm phát phải căn cứ vào 2 yếu tố gồm mức và thời gian, mà lãnh đạo này phân tích, mức lạm phát phải đảm bảo thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, mục tiêu đề ra của năm nay là lạm phát 9%, tăng trưởng 5-6%; các chỉ số này có thể đảm bảo được từ nay đến hết năm, song chưa thực sự bền vững.
Yếu tố thứ hai là thời gian, ông nói, để đưa ra nhận định đã kiểm soát được lạm phát chưa, cần phải có sự ổn định. Tại Việt Nam, tình trạng hai năm cao, một năm thấp đã kéo dài nhiều năm, và lịch sử sẽ có thể lặp lại với năm 2012 khi lạm phát ở mức thấp sau 2 năm cao trước đó (2010 gần 12%, 2011 gần 18,6%). Theo quy luật này, đến năm 2013-2014, lạm phát sẽ dâng lên, và tĩnh lại vào 2015. Trước đó là quy luật năm 2007-2008 lạm phát cao, 2009 lại xuống thấp. Ông khẳng định, việc kiềm chế lạm phát trong 5 - 6 năm vừa qua cơ bản chưa thành công, dù theo dự báo, tỷ lệ năm nay có thể chỉ 5%, thấp hơn so với mức 6% của năm 2009.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho rằng, giảm lãi suất, giảm giá xăng nhưng tăng giá điện đều nằm trong chuỗi chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và tuân theo định hướng thị trường. "Lãi suất và giá xăng giảm là theo tín hiệu thị trường trong nước và thế giới, cộng thêm tác động một phần của chính sách. Còn với giá điện, khi EVN không thể chịu nổi lỗ thì cần cho họ tăng giá để bù đắp chi phí, đó cũng là tạo điều kiện để cơ chế thị trường hoạt động", ông Tân nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc tăng giá điện được cân nhắc đồng thời trong bối cảnh các đầu vào quan trọng khác như lãi suất, xăng... giảm xuống sẽ giảm thiểu được các ảnh hưởng tiêu cực và tránh gây ra hiệu ứng tăng giá liên hoàn. "Về cơ bản, tôi không thấy sự ngược dòng giữa các quyết định về giá điện, xăng và lãi suất mà thấy đó là những điều chỉnh chính xác. Những chính sách này cho thấy Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng vẫn kích thích tăng trưởng", ông Tân nhận định
(Theo Infonet)