
Khối không khí lạnh này bắt nguồn từ Trung Quốc và có cường độ mạnh (nhiệt độ ở tâm vùng không khí lạnh chỉ ở mức 4-6 độ). Trong đêm 9/6, khối không khí lạnh tràn nhanh xuống các tỉnh miền Bắc, khiến nhiệt độ giảm sốc từ 10-12 độ.
Nhiệt độ ngày 9/6 tại Hà Nội ở mức xấp xỉ 39 độ. Sau khi có không khí lạnh, nhiệt độ ngày 10/6 tại Thủ đô chỉ còn 27-29 độ, trời rất mát. Toàn bộ các tỉnh miền Bắc và sau đó là miền Trung sẽ giảm nhiệt với mức độ tương tự, có mưa dông.
![]() |
Hà Nội sẽ mát mẻ đến cuối tuần |
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự khí tượng thủy văn Trung ương cho biết mùa hè ở miền Bắc, miền Trung chỉ có tháng 7, tháng 8 là không có không khí lạnh. Tuy nhiên với thời điểm đầu tháng 6, cường độ mạnh của đợt không khí lạnh như hiện nay là hiếm gặp.
“Nó có thể khiến một số địa bàn miền núi cao ở phía Tây Bắc Bộ không những trở mát mà còn se lạnh. Dự báo đêm 10/6, nhiệt độ tại Lạng Sơn, Cao Bằng chỉ còn ở mức 20-21 độ, riêng tại Sa Pa nhiệt độ có thể giảm còn 17-18 độ”, ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, đợt không khí lạnh này sẽ suy yếu nhanh sau 1-2 ngày. Sau đó, miền Bắc sẽ có nắng nhưng chưa nóng trở lại ngay mà tiếp tục duy trì mát mẻ, hanh khô đến cuối tuần. Dự báo trong tháng 6 sẽ có khoảng 3 đợt nắng nóng nữa.
Theo ông Hải, ngoài việc làm nhiệt độ giảm sốc, đợt không khí lạnh này còn gây ảnh hưởng mạnh trên biển và có khả năng tạo ra các áp thấp, khu vực giữa biển Đông có thể có áp thấp nhiệt đới.
Việc khí lạnh tràn về với cường độ mạnh giữa thời điểm nắng nóng gay gắt lên tới 38-39 độ khiến xung đột giữa hai khối khí trở nên mạnh hơn, nguy cơ mưa, mưa đá, giông, tố, lốc và các hình thái thời tiết cực đoan khác như lũ quét sẽ tăng cao hơn. Vì thế, các khu vực vùng núi cao cần đề phòng cảnh giác.
Khói mù bủa vây Hà Nội Tối 9/6, trước khi có cơn mưa giải nhiệt, người dân Hà Nội bị khói “lạ” tự nhiên "bủa vây" khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Nhiều năm qua, cứ "đến hẹn lại lên", vào khoảng tháng 6, tháng 7 người dân nội đô lại phải hứng chịu những làn khói mù mịt. Những trận khói mù là do sự cộng hưởng ô nhiễm bức xạ tại các đô thị lớn. Thuật ngữ chuyên môn gọi khói mù này là dạng khói mù quang hóa. Càng về đêm, khói càng trở nên dày đặc khiến người đi đường rất khó chịu và liên tục phải lau nước mắt vì khói. Trên các tuyến phố lớn như Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Phạm Hùng, Tây Sơn…khói mù khiến tầm nhìn xa giảm, đồng hồ đếm lùi tại các ngã tư đèn giao thông chỉ có thể nhìn rõ trong phạm vi dưới 100m. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, nên đeo khẩu trang khi tham gia giao thông vì khói bụi nói trên không tốt cho hệ hô hấp. Người già, trẻ nhỏ hạn chế ra đường khi khói, bụi xuất hiện.
Phạm Trần |
C.Quyên