Mua nhà, sắm xe, vay ngân hàng bạc tỉ… không còn là chuyện quá xa lạ với những bạn trẻ 8X, 7X. Theo kết quả nghiên cứu này, những người sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam độ tuổi từ 21 tới 29 tuổi nắm giữ nhiều sản phẩm của ngành này hơn những người già.
Trang, thuộc thế hệ 8X, đang làm cho một tổ chức phi chính phủ của Anh tại TP.HCM, gọi cho tôi: “Chị, em đang định vay trả góp để mua nhà ở Quận 9 đây. Bây giờ hầm Thủ Thiêm còn chưa thông, giá cả thế này bọn em còn cố được căn biệt thự song lập. Chị quen mấy ngân hàng hỏi cho em lãi suất chỗ nào thấp nhất nhé”. Tôi hỏi cô: “Nhà bao tiền”? “Khoảng 5 tỷ”. “Thế bọn em có bao nhiêu tiền rồi?” “Khoảng 500 triệu”.
Tôi thực sự giật mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua 1 cái nhà khi trong tay chỉ có 10% số tiền. Thậm chí khi tôi có hơn số tiền cần có chút ít, tôi cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện đó, vì nghĩ mua xong thì nhỡ ai bị ốm, nhỡ nhà có việc gì đột xuất…, biết lấy tiền đâu ra? Vậy mà nhiều bạn trẻ chưa tới tuổi 30, nói đến chuyện vay tiền để mở cửa hàng, mua nhà, mua chứng khoán, thậm chí mua ôtô, cứ “nhẹ như lông hồng”.
![]() |
80% hợp đồng mua trả góp nhà, trả góp ôtô được ghi nhận là của khách hàng 21-29 tuổi |
Nhiều lựa chọn tài chính
Một khảo sát các dịch vụ ngân hàng gần đây nhất ở Việt Nam đã cho thấy đại bộ phận giới trẻ Việt Nam rất hào hứng với những dịch vụ cho vay của ngân hàng. Họ coi đó là cơ hội tốt để có thể đầu tư hiệu quả hơn và có được lợi nhuận cao trong tương lai.
Theo kết quả nghiên cứu này, những người sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam độ tuổi từ 21 tới 29 tuổi nắm giữ nhiều sản phẩm của ngành này hơn những người già hơn họ (2,3 sản phẩm/người so với 1,9). 91% những người trưởng thành trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) có tài khoản tiết kiệm so với 55% những người từ 30 tuổi trở lên. 89% người trẻ sở hữu các thẻ tín dụng so với 40% của những người trên 30 tuổi.
Các loại hình dịch vụ ngân hàng từ xa, điển hình là e-banking (kiểm tra tài khoản, chuyển khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến), hay mua hàng trên mạng với thẻ tín dụng hoặc bằng paypal, thì có đến hơn 75% khách hàng dưới 35 tuổi. Nhiều người trẻ tuổi ngày càng sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn chỉ vì với chiếc máy tính, những dịch vụ này dễ tiếp cận hơn và tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều.
Chị Linh (24 tuổi, nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) muốn mở một quán cà phê nhỏ để kinh doanh. Qua tham khảo bạn bè và thông tin trên mạng, chị quyết định vay 100 triệu đồng tại một ngân hàng tư nhân do thủ tục gọn nhẹ, lãi suất vừa phải. Linh cho biết, trước đó chị tham khảo thông tin bằng cách tung câu hỏi của mình lên một diễn đàn ngân hàng và nhận được rất nhiều lời tư vấn, chào mời từ chính những nhân viên tín dụng ngân hàng. Rõ ràng là sự nhạy bén, tiếp thị nhiệt tình cũng như thông tin dịch vụ phong phú đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính của người trẻ.
Xu hướng vay tiêu dùng cũng trở nên rõ rệt trong bộ phận giới trẻ. 80% hợp đồng
mua trả góp nhà, trả góp ôtô đều đứng tên người trong nhóm độ tuổi này. Anh Sơn
(25 tuổi, giám đốc phụ trách marketing của một công ty bất động sản) cho biết,
hiện thời anh đang đứng tên 3 hợp đồng vay trả góp gồm 2 căn hộ chung cư và một
xe ôtô Altis. “Nếu cứ chờ tích đủ tiền mới mua nhà thì chưa biết đi làm bao lâu
mình mới đủ và cũng có thể khi đó đã già, còn sức đâu mà hưởng thụ?”, Sơn chia
sẻ.
Tài chính và các giá trị sống
Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng có 4 phạm trù giá trị mà con người luôn quan tâm đến trong suốt cuộc sống của mình, đó là: giá trị cá nhân (tâm lý và tinh thần); giá trị xã hội (gia đình, bạn bè, cộng đồng chia sẻ cùng lợi ích); giá trị thể chất (sức khỏe, môi trường) và cuối cùng là các giá trị về tài chính (tính hiệu quả, bền vững và hợp lý…).
Một đứa trẻ cần phải được dạy những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân từ rất sớm, nếu như đứa trẻ đó muốn trở nên giàu có trong tương lai
Đối với những người trẻ tuổi, nếu như thông tin về 3 hệ thống giá trị đầu có thể được tìm thấy trong rất nhiều sách vở, báo chí, môi trường sống và học tập từ bé đến lớn thì ngược lại, kiến thức về hệ giá trị cuối cùng - tài chính - không thực sự được chú trọng lắm. Khi nói đến “giá trị tài chính” người ta hay nhầm lẫn nó với số tiền bạc của cải mà chúng ta có.
Tuy nhiên, cao hơn thế, các giá trị này thể hiện cách chúng ta tiêu dùng và đầu tư ra sao cho đáp ứng đủ 3 tiêu chí hiệu quả, bền vững và hợp lý. Ai trong số chúng ta, bất kể ở trình độ văn hóa nào, xuất thân ra sao đều sẽ phải trả lời 3 câu hỏi sau: “Tôi có đủ tiền không? Tiền của tôi sẽ đủ để chi trả trong bao lâu? Tôi quyết định chi tiêu thế này đã hợp lý chưa?”.
![]() |
Một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới về làm giàu, cuốn “Cha giàu cha nghèo” (Rich dad poor dad) đã khẳng định, một đứa trẻ muốn trở nên giàu có trong tương lai cần phải được dạy những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân từ rất sớm, hơn là chỉ lo phấn đấu vào đại học.
Quay lại câu chuyện về các hệ thống giá trị sống mà con người theo đuổi trong suốt cuộc đời, ta có thể nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc ra các quyết định tài chính với quan niệm về các giá trị sống khác. Khi trẻ, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua một chiếc máy ảnh nhưng lại không bỏ ra một trăm ngàn đồng để mua bảo hiểm cho chiếc xe máy.
Mỗi quyết định tài chính của người trẻ bị chi phối bởi các giá trị tinh thần, vật chất mà người ấy tin tưởng. Vậy nên, nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, quan điểm đúng đắn về giá trị sống lành mạnh và cái nhìn hướng tới tương lai, các bạn trẻ sẽ có được những quyết định tài chính thực sự sáng suốt.
Theo Doanh nhân