- Ngày 23/4, Trung ương hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức khóa học và đêm hội giao lưu về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp giữa 100 doanh nhân thành đạt với 1.000 sinh viên của trường ĐH Hàng Hải, ĐH Hải Phòng và ĐH Dân lập Hải Phòng. Các doanh nhân đối thoại, chia sẻ với sinh viên những trải nghiệm trong kinh doanh và bí quyết khởi sự doanh nghiệp qua phương pháp giảng dạy trực tuyến Elearning.

Sẻ chia bí quyết thành công


Muốn khởi nghiệp phải có vốn, lo lắng lớn nhất của bạn trẻ khi lập nghiệp là vấn đề muôn thuở: thiếu tiền. Có nên bán ý tưởng để lấy vốn, tìm nguồn vốn ở đâu khi gia đình không có điều kiện hỗ trợ, khởi nghiệp như thế nào với một số vốn rất nhỏ...là những băn khoăn của sinh viên khi bắt đầu khởi nghiệp.

Bạn Lê Quang (ĐH Dân lập Hải Phòng) chia sẻ: "Dù là sinh viên năm đầu nhưng mình rất muốn thành lập doanh nghiệp và tự kinh doanh. Mình có ý tưởng, lên kế hoạch thực hiện lâu rồi nhưng lại chưa có vốn. Gia đình không có điều kiện nên không thể hỗ trợ, mình vẫn chưa biết tìm nguồn vốn ở đâu".

Các chuyên gia, giảng viên doanh nhân đối thoại trực tiếp với hơn 1000 thanh niên, sinh viên các trường Đại học ở Hải Phòng
Thế nhưng, kinh nghiệm của không ít doanh nhân lại cho rằng tìm nguồn vốn không khó như các bạn sinh viên nghĩ. Thực tế tìm nguồn vốn đôi khi còn dễ hơn tìm một ý tưởng khả thi.

TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết gia đình và bạn bè là nguồn vốn mà mọi người có thể huy động khi cần thiết. Nhưng khi gia đình không có điều kiện hỗ trợ thì sinh viên có thể dùng chính ý tưởng để tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ và các ngân hàng.

"Ý tưởng cũng là tiền. Chỉ cần các bạn có ý tưởng tốt các bạn sẽ được chú ý. Nhiều ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ sinh viên miễn là các bạn trình bày thuyết phục ý tưởng của mình", TS Cao Sĩ Kiêm khẳng định.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng không thể lấy chỉ số IQ hoặc số vốn để quyết định ai làm doanh nhân. Trí thông minh, tiền vốn cần nhưng chưa đủ. Tiền bạc không quá quan trọng, vì nếu không thể tiếp cận với nguồn vốn này, bạn có thể tìm được cùng số tiền đấy từ nguồn vốn khác. Các bạn sinh viên phải có lòng dũng cảm, sự nhạy cảm xã hội thì mới thực hiện được ý tưởng của mình.

Giải đáp những thắc mắc khác của sinh viên làm thế nào để khởi nghiệp thành công, GS.TS Hà Tôn Vinh giảng viên Đại học Hawaii Mỹ, Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo tư vấn Stellar Management kể lại câu chuyện lập nghiệp của mình: "Tôi đã từng làm trong Nhà Trắng 4 năm. Nhưng rồi vì những sai lầm cá nhân, tôi thất bại, tôi trắng tay và phải làm lại từ đầu. Thời gian sau tôi lại có tất cả. Tôi nghiệm ra rằng thất bại không phải là cái gì nguy hiểm. Nó cho ta những bài học đáng giá.

Các bạn hỏi tôi, mô hình nào để thành công? Tôi khẳng định rằng không có ai có thể dạy cho mình làm giàu mà phải làm giàu theo cách của mình. Sự khác biệt mới tạo nên thành công. Cũng giống như không ai có thể tìm ra mảnh đất mới nếu sử dụng chiếc bản đồ cũ".

Thắp lửa đam mê

Các chuyên gia tư vấn, đưa ra lời khuyên, trả lời giải đáp thắc mắc thông qua câu hỏi của sinh viên còn các doanh nhân trẻ lại thu hút sinh viên bằng những trò chơi vui nhộn, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của mình qua những câu chuyện thực mà họ đã trải qua.

Anh Trịnh Văn Dương (Phó TGĐ Công ty Tiên Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: "Khi đi du học ở New Zealand, tôi đi làm thêm bằng việc bưng bê phục vụ trong các nhà hàng. Không phải tôi thiếu tiền mà tôi muốn được thử cảm giác của người làm thuê như thế nào. Tôi nghiệm ra rằng, dù làm chủ hay làm thuê thì từ việc nhỏ nhất cũng phải làm thật tốt".

Những doanh nhân trẻ vừa trải qua gia đoạn khởi nghiệp nên trải nghiệm của họ sát với sinh viên hơn. Chia sẻ của họ gần gũi, chân thực khiến các bạn sinh viên rất hào hứng.

Đúc kết kiến thức qua những trò chơi vui nhộp giúp sinh viên dễ tiếp thu hơn (Ảnh La Hoàn)
Bạn Hoàng Trường (ĐH Hàng hải) chia sẻ: "Mình cũng đã từng tham gia khá nhiều chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với những doanh nhân thành đạt nhưng thường thì ngồi nghe là chính chứ ít được "vận động". Còn chương trình này thì các anh, chị giảng viên trẻ nên thấy rất thoải mái. Các kinh nghiệm, kiến thức được anh chị ấy khéo léo đúc kết qua các trò chơi nên mình dễ nhớ hơn là nghe một mớ lý thuyết".

Đang học khoa Tiếng Anh, ĐH Hải Phòng, Thu Hiền ra trường sẽ trở thành cô giáo. Đến lắng nghe những trải nghiệm của các doanh nhân trẻ, "máu" kinh doanh của Hiền lại nổi lên.

"Mình thích kinh doanh nhưng bố mẹ lại thích con gái làm cô giáo. Năm ngoái mình và nhóm bạn lên kế hoạch mở một shop thời trang nhỏ nhưng chưa ai có kinh nghiệm nên cứ bàn lên bàn xuống. Hôm nay nghe các anh chị chia sẻ, "bổ túc" thêm khá nhiều thông tin mình thấy tự tin hơn hẳn. Có lẽ là sẽ bàn lại với mọi người về kế hoạch lập shop", Hiền chia sẻ.

Không chỉ có các bạn sinh viên cảm thấy sục sôi với các ý tưởng kinh doanh, lập nghiệp, các doanh nhân trẻ cũng cảm thấy hứng khởi với những kế hoạch kinh doanh mới.

"Nhắc lại những ngày đầu khởi nghiệp thật sự nhiều khó khăn. Khi chia sẻ điều này với các bạn sinh viên, tôi cảm giác như mình đang nhìn lại những nỗ lực của anh em trong công ty cũng như bản thân. Đường đi còn dài, còn phải nỗ lực rất nhiều. Và thành công còn phụ thuộc vào một chút "máu liều" của bạn nữa", Anh Nguyễn Như Kiên (Phó TGĐ Cty CP SX KD XNK Lam Sơn, giảng viên của lớp học) chia sẻ.

  • La Hoàn