
Trong một tuyên bố kèm hình ảnh chia sẻ với The Aviationist, công ty DZYNE Technologies đã tiết lộ rằng tàu lượn không người lái Long-Range Grasshopper thực chất là dự án từng được biết đến với tên mã Dragonfly, vốn được sử dụng trong quá trình phát triển.

“Dragonfly là tên gọi của chương trình trong giai đoạn phát triển. Long-Range Grasshopper là tên chính thức của sản phẩm sau khi chúng tôi hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm và xác nhận công nghệ. Dragonfly và Long-Range Grasshopper là cùng một phương tiện, chỉ khác tên trong các giai đoạn khác nhau", bà Trisha Navidzadeh, Giám đốc marketing của DZYNE Technologies, cho biết.
Theo một video từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) công bố tháng 9/2024, biến thể Dragonfly bắt đầu được phát triển sau khi nhiều khách hàng yêu cầu phiên bản có tầm bay xa hơn, thời điểm nguyên mẫu đầu tiên được triển khai vận hành thực tế. Tạp chí Air and Space Forces cũng tiết lộ biến thể tầm xa này dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2026.
Một số chuyến bay thử nghiệm (số lượng không tiết lộ) diễn ra tại Utah và Oregon đã “trình diễn những khả năng mạnh mẽ của Long-Range Grasshopper”, bao gồm: Phóng khỏi máy bay mẹ và tách ra an toàn; Chuyển sang chế độ bay cánh cố định; Khởi động động cơ phản lực trên không; Bay bằng động cơ; Hạ cánh chính xác tại điểm chỉ định.
Theo DZYNE, điều này chứng minh năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn hoạt động trong môi trường tranh chấp khốc liệt. Việc hạ cánh chính xác có thể đã sử dụng cơ chế thu hồi bằng dù, tương tự trong video của AFRL tháng 9/2024. Tuy nhiên, không rõ Long-Range Grasshopper có mang theo mô hình hàng hóa nào trong các chuyến thử nghiệm hay không.
(Video nguồn: AFResearchLab)
Loại máy bay mẹ được sử dụng không được tiết lộ trong cả video của AFRL tháng 9 lẫn các lần thử nghiệm sau đó. Tuy nhiên, trong video công bố thử nghiệm, có thể thấy máy bay mẹ là một chiếc Short C-23 Sherpa, loại được dùng để phóng drone.
Công nghệ đặc biệt trên Grasshopper
Các hình ảnh mới cho thấy thiết kế động cơ turbine hút khí được lắp dưới bộ ổn định thẳng đứng, bộ phận này gắn trên một thân đuôi đơn độc lập, tách biệt với thân chính của tàu lượn.
Không giống phiên bản Grasshopper gốc (một tàu lượn không có động cơ, chỉ dựa vào lực lướt và trọng lực), Long-Range Grasshopper được trang bị một động cơ turbine đặt dưới bộ ổn định. Động cơ này được khởi động trong không trung sau khi tàu lượn được thả từ máy bay mẹ, giúp chuyển đổi từ trạng thái lượn sang bay có động lực. Điều này cho phép Long-Range Grasshopper đạt tầm hoạt động gấp 10 lần phiên bản gốc, tức là từ hàng chục dặm lên đến hàng trăm dặm.
AFRL cho biết dữ liệu thử nghiệm từ Cục Hệ thống Hàng không Vũ trụ đã được dùng để chọn loại động cơ turbine cỡ nhỏ phù hợp cho Grasshopper. Cuối cùng, AFRL đã cung cấp hai động cơ nhỏ cho DZYNE để thử nghiệm lắp ráp và kiểm tra trên băng thử, đánh giá khả năng tích hợp vào khung thân. Động cơ được thấy trong các hình ảnh gần đây có thể là một trong số đó.

Long-Range Grasshopper có khả năng điều hướng hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của con người sau khi được thả. Nó sử dụng hệ thống dẫn đường GPS chống nhiễu, kết hợp với hệ thống quán tính (INS) và định tuyến nhận biết địa hình, cho phép hoạt động hiệu quả trong các môi trường GPS bị nhiễu. Phần mềm của Long-Range Grasshopper được thiết kế để hoạt động trong các môi trường bị nhiễu điện tử, đảm bảo tính sống sót và hiệu quả trong các kịch bản chiến đấu.
Tàu lượn này còn được trang bị hệ thống điều hướng "point and click", kết hợp với dù để hạ cánh chính xác tại khu vực được lập trình trước, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Trong các thử nghiệm năm 2024, Long-Range Grasshopper đã chứng minh khả năng tách khỏi máy bay mẹ, chuyển sang chế độ bay cánh cố định, khởi động động cơ, bay có động lực và hạ cánh chính xác
Ngoài ra, DZYNE Technologies cũng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm tiên tiến vào Long-Range Grasshopper, cho phép nó tự động thực hiện toàn bộ nhiệm vụ từ lúc thả đến khi hạ cánh. AI giúp tối ưu hóa đường bay, tránh chướng ngại vật và điều chỉnh trong điều kiện thời tiết xấu.
Nó có thể được thả từ nhiều loại máy bay vận tải (C-130, C-17) và sử dụng trong nhiều kịch bản, từ hỗ trợ chiến đấu đến cứu trợ nhân đạo. Điều này phù hợp với khái niệm Agile Combat Employment (ACE) của Không quân Mỹ, cho phép cung cấp nhanh chóng tới các lực lượng phân tán ở các khu vực hẻo lánh.
Với giá 40.000 USD mỗi chiếc, Long-Range Grasshopper rẻ hơn nhiều so với các UAV khác như MQ-9 Reaper (30 triệu USD mỗi chiếc). Điều này cho phép Không quân Mỹ triển khai số lượng lớn mà không lo ngại về chi phí nếu bị mất.
Tương lai
Hiện DZYNE và AFRL chưa công bố đơn vị Không quân Mỹ nào đã nhận được Long-Range Grasshopper, dù trước đó, Air and Space Forces từng đưa tin rằng một số đơn vị đã nhận vài chục chiếc Grasshopper nguyên mẫu.
Các khách hàng đã yêu cầu biến thể tầm xa sau khi Grasshopper được triển khai vận hành cũng chưa được tiết lộ.
Dù vậy, công ty nhấn mạnh rằng sự hợp tác chặt chẽ với AFRL đã giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển, cho phép thử nghiệm bay nhanh chóng và nhận phản hồi trực tiếp từ người dùng. Nhờ sự phối hợp giữa DZYNE, AFRL và người dùng cuối, dự án đã nhanh chóng chuyển từ một nỗ lực nghiên cứu thành năng lực triển khai thực tế, theo AFRL.
(Theo The Aviationist, Air & Space Forces)
