Không quá đa dạng dịch vụ như của chị em nhưng chỉ nói đến việc cắt – cạo của đấng mày râu trong các quán cắt tóc gội đầu cũng không ít chuyện đau đầu.

Từ “di động” đến “chuyên”

Vẫn được gọi là những con phố cắt tóc đi dọc tuyến phố Hoàng Hoa Thám, Thái Thịnh, Thanh Nhàn, hình ảnh những tiệm cắt tóc di động còn hiện hữu trên nhiều góc phố, vỉa hè Hà Nội.

Chỉ đơn giản với một chiếc gương, chiếc ghế, chiếc tông đơ, cái kéo, dao cạo là “phó cạo” có thể xuống phố hành nghề. Thêm bộ ngoáy tai, chiếc đèn pin nhỏ đeo trên đầu là quán đã có thêm dịch vụ phụ “lấy ráy tai” để kiếm thêm.

Lia những đường kéo sắc lẹm khua qua mái tóc rồi lấy nhanh chiếc tông đơ giật từng túm tóc của khách, cứ thế 2 – 3 cái đầu qua tay phó cạo. Cũng vẫn với lưỡi kéo sắt lẹm nhưng bám đầy gỉ sét và chiếc tông đơ bám bụi tóc từ những vị khách hôm qua đến những vị khách hôm nay.

Chỉ đơn giản với một chiếc gương, chiếc ghế, chiếc tông đơ, cái kéo, dao cạo là “phó cạo” có thể  hành nghề

Cầm chiếc khăn mặt vắt ngang sau lưng ghế, phó cạo phủi nhanh những bụi tóc bám trên áo kết thúc việc cắt tóc. Thêm một dịch vụ đặc biệt không thể thiếu của phái nam là cạo mặt. Ngửa đầu ra sau theo chiếc ghế, khách được bôi một dung dịch lên mặt có thể là nước xà bông hay keo xịt. Từng lớp da chết bám đầy trên từng đường dao. Và tất cả cũng chỉ được làm sạch với một đường lia của chiếc khăn mặt vừa phủi tóc cho khách.

Một trong những dịch vụ vẫn được xem là đặc sản của những quán cắt tóc nam là nghệ thuật lấy ráy tai. Thò chiếc ngoáy chuyên dụng được rút từ một lọ hoa nhỏ, lấy tay cậy cậy nơi đầu phía đầu ngoáy, phó cạo cứ thế tỉ mỉ vừa soi đèn vừa ngoáy. Với dịch vụ cắt – cạo như vậy khách hàng chỉ phải trả chi phí từ 15.000 – 20.000 đồng/ đầu.

Một phần công nghệ cạo - ngoáy
 

Bên cạnh những tiệm cắt – cạo di động hiện nay những tiệm – salon chuyên tóc Nam cũng mọc lên ngày càng nhiều. Đẳng cấp “chuyên” được khẳng định hơn với “di động” ở việc nâng tầm nhiều dịch vụ.

Tại một hiệu chuyên cắt tóc nam trên đường Thái Hà, sau khi hoàn tất khâu cắt – cạo chủ cửa tiệm còn gợi ý cho chúng tôi dịch vụ chăm sóc, tái tạo da. Dịch vụ này được áp dụng với mức giá thường gấp đôi với dịch vụ dành cho nữ.

Với những bộ dụng cụ đầy đủ nhưng tại những tiệm chuyên này, phần lớn dụng cụ cũng chỉ được vệ sinh một cách rất sơ sài chỉ đơn giản. Chỉ có chiếc dao lam bẻ đôi là được thay cho từng khách còn lại hầu như chỉ cần dùng khăn ướt để lau, thậm chí vẫn được tiếp tục qua từng lượt khách.

Ghê cũng phải cạo

Tâm sự về sự “run tay” trong nghề một phó cạo với 5 năm tuổi nghề tâm sự: “Một quán cắt tóc dạo như này thôi nhưng có ngày cũng cắt – cạo đến cả chục cái đầu. Nhưng cũng có không ít lần cầm kéo mà thấy run tay. Có khi là gặp vị khách bị lở loét ngoài da, cũng có khi gặp phải vị bị lang ben nhưng phần nhiều vẫn là những đám choai choai đầy mụn bọc, mụn nước. Cầm dao cạo cũng thấy ghê nhưng đã là nghề thì cũng phải cạo”.

Thường xuyên gắn bó với tiệm cắt tóc dạo anh Nguyễn Văn Huy (Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: “Đi cắt tóc, cạo mặt nhiều nên tôi cũng không mấy để ý đến chuyện vệ sinh này lắm. Chỉ nghĩ đơn giản đi cắt về tắm rửa sạch sẽ là hết”.

Vệ sinh hay không, vệ sinh thế nào thì cũng chỉ biết “tùy tâm” thợ cạo”?

Cau mày khi nhắc đến dịch vụ lấy ráy tai anh Bình (Xuân Thủy – Cầu Giấy) vừa nói vừa lắc đầu: “Sau khi đi cắt tóc rồi lấy ráy tai được gần 1 tuần thì tự nhiên thấy tai bị ngứa, rát rất khó chịu. Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là viêm tai do tiếp xúc với nước nhưng càng ngày càng thấy biến chứng nặng hơn. Vội vàng vào bệnh viện Tai – Mũi – Họng TW khám thì mới biết tôi bị nhiễm nấm tai”. Lan Anh, một nhân viên gội đầu quán N.H trên đường Ngọc Hà cho hay, nhiều khách hàng nam lại thích cảm giác “buồn buồn” khi được dội nước vào tai nên nhiều khi tiện tay các cô lại lấy luôn nước đã gội còn bám đầy xà phòng dội vào rửa tai cho sạch?!

Đối với đấng mày râu, việc cắt tóc gần như được tiến hành định kỳ hàng tháng nên “nhiều khi vẫn biết dụng cụ cắt tóc không đảm bảo nhưng biết làm thế nào. Bây giờ ở đâu cũng thế mà cũng không thể tự cắt được. Vệ sinh hay không, vệ sinh thế nào thì cũng chỉ biết “tùy tâm” thợ cạo” – Anh Tuấn Hùng (Hai Bà Trưng) nói.

Hồng Khanh
(Còn nữa)